Đại sư Garchen ban khẩu truyền và trả lời câu hỏi

ĐẠI SƯ GARCHEN RINPOCHE
BAN KHẨU TRUYỀN VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI

CỦA CÁC ĐẠO HỮU THUỘC NHÓM TU HỌC ORGYEN CHOLING VIỆT NAM

Tâm-Bảo-Ðàn ghi chép và thông dịch từ Anh-ngữ qua Việt-ngữ ngày 3/1/2007

Sinh trưởng tại miền Ðông Tây-Tạng vào năm 1936, Trưởng Lão Ðại Sư Garchen Rinpoche thuộc giòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 -- đệ tử tâm truyền của  ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng  phái Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời đại Cổ Ấn, Ðại Sư Garchen Rinpoche  chính là hoá thân của đại thành tựu giả Thánh Thiên (Aryadeva), vị đệ tử đản sanh từ bông sen của ngài Long Thọ Bồ Tát.  Vào thế kỷ thứ 7, Ðại Sư Garchen Rinopche là Lonpo Gar  tức vị khâm sai đại thần của Pháp vương Songsten Gampo, vị vua lừng danh trong lịch sử Tây-Tạng.  Ðại Sư Garchen Rinpoche được vị Tổ tiền nhiệm của giòng Drikung Kyabgon Zhiwe Lodro tuyên nhận là một hoá thân vào năm lên 7 tuổi tại miền Ðông Tây Tạng.  Sau đó, khi tròn 22 tuổi, vừa hoàn tất được 2 năm rưỡi tu ẩn thất thì ngài đã bị Trung Cộng giam cầm trong suốt 20 năm, trải qua cuộc Cách Mạng Văn Hoá trong lao tù. Trong thời gian đó, Ðại Sư Garchen Rinpoche đã tiếp tục thọ pháp từ bổn sư của ngài là đại tôn sư Khenpo Munsel thuộc giòng Nyingma.  Trải qua bao gian khổ và không sờn lòng tu tập, ngài đã chứng đắc trí huệ viên mãn.  Ngài được biết đến rất nhiều qua những chứng đắc sâu dày, cũng như qua tình yêu thương và tâm từ bi vô bờ bến dành cho tất cả chúng sinh. Trên tay ngài lúc nào cũng cầm một ‘kinh luân’ (prayer wheel), bất luận là đang làm gì, chiếc kinh luân đó cũng được  ngài quay vòng liên tục để phóng toả ánh từ bi đến khắp các cõi. Garchen Rinpoche nói, ánh từ bi đó  chính  là ân phước của đức Bạch-Quan-Âm ban truyền.  Ánh từ bi đó cũng phát ra tự trong đáy lòng của ngài (www.garchen.net).
Vào ngày 3 tháng Giêng năm 2007, các đạo hữu trong nhóm tu học Orgyen Choling tại Việt Nam đã kết nối và nhìn thấy được  hình ảnh sống động của Garchen Rinpoche qua màn ảnh của máy điện toán liên mạng trong  thời gian ngài đang đi hoằng hoá tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.  Các đạo hữu đã được Garchen Rinpoche ban cho khẩu truyển một bài kệ ngắn của ngài Atisha khẩn nguyện đức Quan-Âm (Supplication to Tara by Atisha),  cũng như khẩu truyền câu minh chú của ngài Bạch-Quan-Âm (White Tara).  Sau đó, đại sư Garchen Rinpoche đã giải đáp thắc mắc và  ban những lời khai thị sau đây cho các anh chị đạo hữu trong nhóm Orgyen Choling tại Việt-Nam. 
Câu hỏi thứ nhất:
Vẻ bên ngoài của con rất điềm tĩnh nhưng bên trong thường không yên, vọng tưởng nổi lên như sóng cồn.  Cầu mong đạo sư chỉ dạy cho con pháp môn tu tập giúp cho tâm được an định.
Trả lời của Garchen Rinpoche:
Ðối với những hành giả sơ căn mới bước trên con đường tu tập thì cách tốt nhất là luôn suy gẫm và quán chiếu về Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm (Four Thoughts that Turn the Mind).  Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm đó là (1) thân người hiếm quý khó tìm, với đầy đủ thuận duyên để có thể  bước đi trên con đường đạo, (2) nhân quả, (3) vô thường và (4) những khiếm khuyết, của cõi ta-bà.  Tất cả những vọng tưởng đều phát xuất từ tâm vị kỷ.  Gốc rễ của mọi vọng tưởng là do chấp ngã.  Nếu con chấp ngã càng nhiều thì những xúc cảm ô trược và vọng tưởng trong con sẽ càng trở nên ào ạt.  Khi càng quán chiếu về Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm thì sẽ càng hiểu được rằng tâm vị kỷ và chấp ngã là điều sai trái, tạo thêm ý nghiệp, làm  cho con thêm phiền não, đánh mất đi thời giờ tu tập quý báu mà thôi.  Hiểu được như vậy rồi thì con sẽ phải thực tập vị tha.  Khi bớt chấp ngã và tâm vị kỷ không còn mãnh liệt thì vọng tưởng cũng sẽ dần dần lắng xuống vì những phiền não sẽ không dễ nổi lên, hoặc nếu có nổi lên thì cũng sẽ được nhận diện để chặt đứt đi ngay tức khắc.
Ðối với những hành giả trung căn thì phải luôn luôn nuôi dưỡng và thực hành Bồ-Ðề tâm,  là tâm nguyện cao cả hy sinh cho người khác, luôn luôn quên mình mà xả thân làm những công việc lợi lạc cho chúng sinh,  cùng với ý nguyện muốn đắc quả giác ngộ cũng vì lợi lạc cho chúng sinh.  Các con phải luôn luôn cố gắng nuôi dưỡng một tâm lành.  Tâm tốt lành (a good heart) hay tâm hoà nhã (a kind heart) là điều mà đức Ðạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhắc nhở chúng ta.  Khi tâm lành và tâm hoà nhã được nuôi dưỡng trong mỗi một phút giây thì vọng tưởng cũng sẽ dần dần giảm thiểu.
Riêng đối với các  hành giả thượng căn thì các con sẽ phải quán chiếu để hiểu về bản chất của tâm, về bản chất của các xúc cảm của tâm ô trược.  Tâm  ô trược hay các xúc cảm phiền não không khác chi những cơn sóng ồ ạt trong biển cả.  Sóng chính là biển, biển không thể không có sóng.  Sóng không khác biển. Cả hai đều hợp nhất. Cũng như thế, vọng tưởng không nằm ngoài chân tâm.  Vọng tưởng và chân tâm trên thực chất chỉ là một.  Khi sóng tan đi, thì tan đi về đâu? Không đi đâu  cả.  Sóng trở thành biển.  Sóng và biển hợp nhất.
Khi các con thực tập yêu thương, luôn quan hoài đến kẻ khác trong tinh thần vô chấp thì đó chính là tình yêu tối thượng không gì sánh bằng.  Khi trong tâm lúc nào cũng chan hoà tình yêu thương tối thượng thì sân hận sẽ giảm thiểu, đố kỵ sẽ giảm thiểu, vọng tưởng sẽ giảm thiểu.  Nguồn gốc đưa chúng sinh đoạ vào các cõi thấp chính là tâm sân hận và tâm oán ghét.  Do đó, ngay cả bây giờ có phải mất mạng đi nữa thì các con cũng không được phát tâm sân hận hay oán ghét một ai, tuyệt đối không được xoay lưng lại với tình yêu thương! Ðây chính là những phẩm hạnh cao cả của giác ngộ.
Cái gì có thể giúp các con thực hành được những điều trên? Chánh niệm và tỉnh thức có thể giúp được các con.  Khi tâm sân vừa lóe lên, thì hãy ngay lập tức lấy chánh niệm ra để dập tắt.  Rồi sau đó, hãy tỉnh giác và quán chiếu xem cơn giận này từ đâu đến, do đâu mà ra.  Hãy cố gắng nhìn vào bản chất của cơn giận.  Cơn giận này có thật hay không có thật? Thực chất của cơn giận nằm ở đâu?  Hay cũng chỉ là duyên khởi nên trong cơn giận, hãy nhận ra được tánh Không.  Nếu các con chịu khó giữ chánh niệm và quán chiếu sâu sắc trong mỗi một phút giây thì một ngày kia, các con sẽ tự giải thoát mình ra được hết tất cả các vọng tưởng và xúc cảm ô trược.  
Ðức Jigten Sumgon [vị Tổ khai sáng giòng truyền thừa Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng]  đã từng nói: 
Tất cả chư Phật đều nằm trong tâm của chúng sinh.’
Ðiều này có nghĩa là chư Phật trong ba đời phát xuất từ  chính sự thực hành chánh niệm và tỉnh giác của chúng sinh.  Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cùng một bản chất.  Khi thực hành chánh niệm và tỉnh giác thì các con sẽ biết được đâu là sai, đâu là đúng.  Từ đó, trí tuệ nảy sinh.  Khi trí tuệ nảy sinh thì các xúc cảm ô trược và vọng tưởng sẽ được tiêu trừ ngay từ trong trứng nước. 
Thật ra, tâm của Phật và tâm của chúng sinh cùng một bản chất, cùng là nước.  Nhưng tâm của Phật giống như nước trong văn vắt, trong khi tâm của chúng sinh thì giống như nước bùn đục ngầu.  Bùn đục trong tâm của chúng sinh chính là những xúc cảm ô trược và vọng tưởng, là tâm chấp ngã, bám víu vào cái ta hư huyễn.  Dù là như vậy nhưng bùn đục này cũng đâu có nằm ngoài nước, đâu có tách rời khỏi nước?  Giống như những xúc cảm ô trược và vọng tưởng cũng không nằm ngoài tâm, không tách biệt khỏi tâm nhưng khi biết cách thanh tịnh hoá thì bùn dơ sẽ lắng xuống, nước trong sẽ trồi lên.
Nếu ngày hôm nay, các con biết quán chiếu để giúp cho bùn dơ lắng xuống và để cho nước trong trồi lên thì mỗi ngày mỗi chút, mỗi tháng mỗi chút, mỗi năm mỗi chút, bùn cạn sẽ càng lắng và phía trên mặt nước sẽ chỉ còn toàn nước trong.  Ðến một lúc nào đó, khi tâm  tỉnh giác của các con hoàn toàn sáng ngời và mãnh liệt nhất, đó là khi các con sẽ thành đạt Phật quả.
Ðức Phật đã giảng dạy 84,000 pháp môn, nhưng các con chẳng nên lo lắng có quá nhiều pháp môn [chẳng biết nên theo pháp môn nào].  84,000 pháp môn đó cũng không nằm ngoài hai chân lý huyền diệu, là tục đế và chân đế, là  sự thật tương đối và và sự thật viên mãn. Sự thật thứ nhất là sự thật tương đối,  là tình yêu thương, lòng quan hoài vô chấp, vô vị kỷ đến vô lượng chúng sinh. Ðây chính là tâm Bồ-Ðề tương đối, là tâm tốt lành, tâm hoà nhã, tâm từ ái.  Nhưng muốn thực hành được tâm Bồ-Ðề tương đối thì các con cần có một hiểu biết đúng đắn về nhân quả!  Còn sự thật thứ nhì, sự thật viên mãn là dùng chánh niệm và tỉnh giác để quán chiếu trực nhận tánh Không, trực nhận vô ngã.  Khi trực nhận vô ngã thì Bồ-Ðề tâm sẽ viên mãn như trăng tròn. Chỉ cần các con thực hành sâu sắc hai chân lý huyền diệu này là các con đã thực hành hết 84,000 pháp môn của đức Phật rồi.
Câu hỏi thứ nhì:
Theo con được biết, để có thể tu tập Kim-Cang Thừa, hành giả cần hội đủ các phẩm tính: Bồ-Ðề tâm mạnh mẽ, trí tuệ sắc bén, và một sự tinh tấn mãnh liệt.  Với những yêu cầu như trên thì Phật tử chúng con ở đây khó có thể là những bình chứa thích hợp.  Nhưng [chúng con vẫn khao khát thực hành Kim-Cang Thừa], có lẽ là do đã có duyên tiền kiếp với Kim-Cang Thưà.  Cũng có lẽ là vì lâu nay chúng con không được gần gũi với các đạo sư [nên chưa được hướng dẫn để có thể phát triển đầy đủ các phẩm tính].  Chúng con kính xin ngài ban cho lời chỉ dạy để chúng con có thể an tâm và vững bước tu hành.
Trả lời của Garchen Rinpoche:
Nếu muốn tu tập để đạt được chánh giác thì phải cần có trí tuệ và từ bi.  Ðó là hai phẩm tính hỗ tương cho nhau. Khi trí tuệ được vun bồi thì nương vào trí tuệ mà từ bi sẽ phát triển. Có trí tuệ thì không thể nào không quan hoài đến tất cả chúng sinh không sót một ai. Và khi từ bi được vun bồi thì tự khắc trí tuệ cũng sẽ phát  triển.  Không ai có được trí tuệ và từ bi qua đêm mà phải vun bồi từng chút, từng chút, khởi đầu bằng những thực hành Bồ-Ðề tâm tương đối, biết chăm sóc, thương yêu, hỉ xả với những người chung quanh trong một tinh thần vô chấp trước.
Riêng đối với các con là những hành giả muốn tu tập theo Kim-Cang Thừa thì các con còn phải vun bồi một cái nhìn hoàn toàn thuần tịnh.  Kiến của các con phải luôn luôn là kiến thuần tịnh.  Có được kiến thuần tịnh nghĩa là phải luôn luôn nhìn thấy bản chất của thế giới hiện tượng bên ngoài và bên trong  thảy đều thuần tịnh như nhau.  Bên ngoài  là thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Bên trong  của thế giới này là tất cả chúng sinh. 
 
Thế giới bên ngoài thuần tịnh. Chúng sinh bên trong thuần tịnh. Rồi nương vào kiến thuần tịnh này mà thực tập các giai đoạn tu tập quán tưởng Bổn Tôn Hộ Phật (yidam deity practice) theo truyền thống Kim-Cang Thừa để thuần tịnh hoá thân khẩu ý của chính mình.
Riêng về nỗi lo âu không có đạo sư ở gần bên để hướng dẫn các con tu tập và phát triển các phẩm hạnh... thật ra, các con cũng vẫn đang có đầy đủ đạo sư bên ngoài và đạo sư bên trong. 
Ðạo sư bên ngoài... tuy không nhất thiết là một vị thầy bằng xương bằng thịt nhưng các con nên hiểu rằng ở khắp không gian này có vô lượng chư Phật và chư Bồ Tát đang ban phước lành cho các con và cho vô lượng chúng sinh. Có thể các con không thấy được bằng mắt phàm nhưng chư Phật và chư Bồ-Tát đang hiện diện khắp mọi nơi giúp các con trên con đường tu.
Còn đạo sư bên trong... đó chính là chánh niệm và tỉnh giác trong các con.  Nếu không có được một đạo sư bằng xương bằng thịt bên ngoài thì người thầy tốt nhất là kinh sách, luận giải về Phật Pháp mà các con có thể tự đọc, tự trau dồi, tự tìm hiểu và quán chiếu, để có thể giúp các con thực hành và phát triển chánh niệm và tỉnh giác bên trong.  Chẳng hạn như tập sách ‘Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Ðạo’  [của ngài Ngulchu Thogme Zangpo], tập sách đó chính là một người thầy tài giỏi nhất mà các con có thể nương tựa vào. Nếu hằng ngày các con đọc tập sách này rồi suy niệm và quán chiếu để hiểu được giáo pháp huyền diệu, đâu là đúng, đâu là sai, tìm hiểu cách thức làm thế nào để giữ được chánh niệm và tỉnh giác trong mọi tình huống...  Nếu các con làm được như vậy trong một tinh thần hết sức cẩn trọng thì cho dù không có được đạo sư bằng xương bằng thịt bên cạnh thì các con cũng vẫn có thể tu tập, chẳng những  theo Kim-Cang Thừa, mà là bất kỳ Pháp nào cũng vậy.
Lại thêm một thí dụ nữa. Nói đến quy y thì có quy y bên ngoài và quy y bên trong. Quy y bên ngoài  là quy y Tam Bảo, nghĩa là quy y Phật, Pháp và Tăng.  
Còn quy y bên trong ?  
Chánh niệm và tỉnh giác chính là Phật. Hãy quy y vào chánh niệm và tỉnh giác bên trong các con.  
Bất kỳ trong giây phút nào nếu các con cũng miên mật thực tập chánh niệm và tỉnh giác thì đó chính là Pháp.  Hãy quy y vào những thực hành chánh niệm và tỉnh giác bên trong các con.
Khi miên mật thực hành chánh niệm và tỉnh giác, các con sẽ trở nên những con người tốt hơn, lành hơn, gần với Phật tánh hơn thì đó chính là  Tăng.  Hãy quy y vào tăng đoàn của những con người tốt lành bên trong các con.
Nếu hiểu được như thế thì các con sẽ thấy là tất cả Tam Bảo đều nằm trong chính chánh niệm và tỉnh giác trong mỗi chúng ta! Ðó là cách hiểu sâu sắc nhất để có thể giúp các con thực hành Kim-Cang Thừa hay Mật-Pháp. 
Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, không khác chi chư Phật có Phật tánh. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh không xa lià nhau mà mang tánh đồng nhất.  Nhưng tâm của chúng sinh giống như thể những tảng nước đá đặc cứng. Trong khi tâm của Phật thì như thể giòng nước tuôn chảy không gì ngăn trở. Chính vì chúng sinh chấp ngã mà sinh ra vọng tưởng.  Vọng tưởng chính là khí trời giá rét biến giòng nước trong tâm chúng sinh trở thành những khối nước đông đặc!
Muốn giúp cho những khối nước đá này tan chảy ra thành giòng nước mềm mại thì chúng sinh cần phải phát khởi và nuôi dưỡng Bồ-Ðề tâm!  Bồ-Ðề tâm (tương đối và viên mãn) chính là sức nóng có khả năng làm tan chảy khối nước đá trong tâm chúng sinh. Khi đá tan ra thành nước, đó là khi chúng sinh đạt được Phật quả!
Muốn phát khởi, đào luyện và nuôi dưỡng Bồ-Ðề tâm thì trước hết phải hành trì  sáu pháp Ba-la-mật [bố thí, trì giới, nhẫn nhục,tinh tấn, định và tuệ], và đối với các con là những hành giả muốn tu tập theo Kim-Cang Thưà thì phải miên mật hành trì các pháp quán tưởng Bổn-Tôn Hộ-Phật (yidam deity practice), chú trọng vào các phẩm tính giác ngộ của các vị Hộ-Phật để giúp các con đến gần hơn với phẩm tính giác ngộ trong chính mình.  Trong bốn câu nguyện Phát Bồ-Ðề tâm sau đây...
Bồ-Ðề tâm vương, tâm tối thượng, tâm vô cùng cao quý,
Nơi tâm ấy chưa sinh, xin cho tâm ấy nảy sinh,
Nơi tâm ấy đã sinh, xin cho tâm ấy đừng bao giờ thoái chuyển
Mà vĩnh viễn mỗi ngày  một vươn lên, vươn lên cao hơn. (*)
Nơi tâm ấy chưa sinh, xin cho tâm ấy nảy sinh...  là nương vào Bốn Tư Tưởng Chuyển Tâm (Four Thoughts that Turn the Mind) mà phát khởi tâm Bồ-Ðề.
Nơi tâm ấy đã sinh, xin cho tâm ấy đừng bao giờ thoái chuyển...  là nương vào sáu pháp Ba-la-mật mà hành trì miên mật.
Mà vĩnh viễn mỗi ngày  một vươn lên, vươn lên cao hơn... là nương vào các giai đoạn phát khởi (generation stage) và thành tựu (completion stage) của các pháp môn hành trì và quán tưởng Bổn-Tôn Hộ-Phật của Mật-điển để giúp cho các con hợp nhất với tâm giác ngộ của chư vị giác ngộ.
Thầy Khenpo Tsultrim Tenzin giúp thông dịch từ Tạng-ngữ qua Anh-ngữ những lời khai thị của Ðại sư Garchen Rinpoche dành cho các đạo hữu trong nhóm tu học Orgyen Choling tại Việt-Nam. Tâm-Bảo-Ðàn ghi chép và thông dịch từ Anh-ngữ qua Việt-ngữ ngày 3/1/2007.  Tài liệu Việt dịch trên đây được hiệu đính dựa trên những ghi chép của Tâm-Bảo-Ðàn (www.vietvajra.org). Mọi sai sót là của người chuyển Việt-ngữ. Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh.   
(*) Bốn câu nguyện Phát Bồ-Ðề Tâm do Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu chuyển Việt-ngữ. 

Tiểu sử Đức Garchen Triptrül Rinpoche

Garchen Triptrül Rinpoche
“Hóa thân – Bậc Trì Giữ của ngôi vị Garchen”

Đức Garchen Triptrul Rinpoche


Giới thiệu

Dòng truyền thừa Phật giáo Kagyu được kế thừa bởi những Lạt ma đức cao vọng trọng. Đó là sự thật đặc biệt của dòng truyền Drikung Kagyu, được sáng lập bởi Kyoba Jigten Sumgon. Một trong những đệ tử tâm yếu của Kyoba Jigten Sumgon là thành tựu giả Gar Dampa Chodingpa, mà dòng truyền tái sinh của ngài được trì giữ bởi đức Garchen Rinpoche hiện nay.

Thành tựu giả Gar Dampa Chödingpa

Gar Dampa Chodingpa được sinh vào năm 1180 sau công nguyên. Ngài được công nhận là một tái sinh của Acharya Aryadeva  Bodhisattva (Thánh Thiên Bồ Tát), một đệ tử của đức Long Thọ. Vừa được sinh ra ngài đã có thể cầm một chiếc gậy, và trì tụng thần chú lục tự. Mẹ ngài đã quá kinh hãi đến mức phải kể với những người khác về những khả năng của con trai mình.

Sau đó, ngài thực hành mật chú tại Tsari ở Tây Tạng. Trong khi ngụ tại một hang động của Gar ở Dagpo, tất cả chư thiên và quỷ thần của Tây Tạng hội tụ quanh ngài. Đầu tiên họ ném những vũ khí sắc nhọn và làm thương tổn ngài, nhưng sau đó quy y ngài, cúng dường ngài thần chú tinh túy sống của họ

Khi Gar Dampa Chodingpa còn trẻ, ngài nghe về những thành tựu vinh quang của Đại thành tựu giả Kyobpa Jigten Sumgon. Vì vậy, ngài quyết định lên đường đến Drikung. Ngài đã ở lại đó và thọ nhận nhiều giáo lý và thực hành dưới sự hướng dẫn của đạo sư của mình, Kyoba Jigten Sumgon. Rất nhanh chóng ngài đã đạt được giác ngộ hoàn toàn, và ngài đã trở thành một trong ba đại thành tựu giả quan trọng  - Gar, Nyo và Chosum – của Kyobpa Jigten Sumgon.  Gar Dampa Chodingpa trình diễn nhiều năng lực phi thường vào nhiều dịp  và thông qua những giáo lý thâm sâu của ngài truyền cho vô số chúng sinh  về con đường của Pháp. Nhiều đệ tử bắt đầu tụ tập quanh ngài, nhưng vẫn còn là quá sớm để thu nhận họ, thế nên ngài rầy họ và bảo họ rời đi. Ngài đã sáng lập một tu viện tại Drikung. Rốt cuộc, nhiều đệ tử tụ tập quanh ngài hơn, ngài đã rời đi để sáng lập tu viện của Phurgon Rinchen Ling.

Những tái sinh tiếp theo

Trong những tái sinh tiếp theo của Gar Dampa Chodingpa, Gar Tenpe Gyaltsen trở thành nhiếp chính của hai vị Drikung Kyabgon, người nắm giữ dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Trong cương vị đó ngài làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Một tái sinh khác, Gar Chokyi Nyima, trì tụng thần chú của Chakrasamvara (Thắng Lạc Kim Cang) hơn 13 triệu lần và trở thành một thành tựu giả. Ngài có thể thị hiện nhiều phép màu như là trị bệnh, ngăn chặn chiến tranh, tiêu trừ nạn đói….

Đức Garchen Triptrul Rinpoche hiện nay


Garchen Triptrul Rinpoche được sinh vào năm 1936 ở Nangchen, miền đông Tây Tạng. Vua của Nangchen đích thân lãnh nhận trách nhiệm để tìm kiếm tái sinh của đức Garchen Rinpoche trước, Trinle Yongkhyab. Đức Garchen Rinpoche hiện nay được phát hiện và tôn phong bởi đức Drikung Kyabgon Zhiwe Lodro.

Garchen Rinpoche được đem đến Lho Miyalgon lúc bảy tuổi, là nơi mà ngài được cúng dường những bộ lễ phục và những thứ khác.  Được dẫn đến một điện thờ lưu giữ nhiều hình ảnh của những đạo sư dòng truyền thừa, ngài được hỏi để xác nhận đạo sư của mình. Ngài chỉ vào một tấm ảnh của Kyobpa Jigten Sumgon và nói rằng “Vị này là đạo sư của ta.” Vì thế, mọi người tin rằng ngài là một tái sinh thực sự của đấng trì gữ dòng truyền Gar.

Dưới sự dạy dỗ của Chime Dorje, Rinpoche đã thọ nhận nhiều giáo lý. Ở độ tuổi 13 ngài thọ nhận những giáo lý của dòng truyền Drikung Kagyu từ Lho Thubten Nyingpo Rinpoche của Lho Lunkargon. Ngài đã nhận khẩu truyền, luận giảng và quán đảnh về  Đại Thủ Ấn và Sáu Yoga của Naropa. Ngài đã hoàn thành những thực hành tiên yếu và hoàn tất khóa nhập thất ba năm.
Ngài sau đó ẩn tu hai mươi năm, cho đến thời gian ngài gặp được Khenpo Munsel, một đệ tử vĩ đại của Nyingma Khenpo Ngagchung lừng danh. Từ Khenpo Munsel ngài thọ nhận giáo lý Dzogchen và tham gia vào thực hành các pháp tu bí mật. Khenpo Munsel đã ngạc nhiên bởi thành tựu vĩ đại của Rinpoche và ngợi khen ngài rằng “Ngài là một hiện thân bồ tát vĩ đại”



Từ 1979, Garchen Rinpoche tìm kiếm nguồn trợ cấp cho tu viện của ngài, cho nữ tu viện và thôn làng, ban tặng hết tất cả những vật cúng dường ngài nhận được vì lợi ích của họ.

Ngoài ra, Garchen Rinpoche vẫn đảm nhận trách nhiệm tái thiết lại nhiều tu viện Drikung Kagyu ở miền Đông Tây Tạng, cũng đồng thời ngài toàn tâm ban tặng những giáo lý thâm diệu của dòng truyền thừa cho những người khác.
Những năm gần đây, Rinpoche thiết lập Ari Gar Zangchup Choling, một trung tâm ở Mỹ quốc để dạy dỗ và thực hành Phật pháp. Garchen Triptrul Rinpoche rất lưu tâm và khiêm hạ với tất cả mọi người bất kể địa vị, tuổi tác và giới tính. Lời khuyên của ngài cho những ai uống rượu, hút thuốc, cờ bạc và tham gia vào những hoạt động sai trái rất có hiệu quả cho việc chỉnh sửa đúng lại tư cách của họ. Ngài không ngừng nỗ lực vì lợi ích của những người khác và đã nhận được sự tôn kính lớn lao từ cộng đồng. Ngài thật phi thường trong thời mạt pháp này.

nguồn http://www.sangyeling.org/Failid/Garchen_Triptrul_Rinpoche.pdf
Thiện Duyên - Việt dịch
Hiếu Thiện hiệu đính
Nhằm cúng dường đến đức Garchen Rinpoche trong chuyến du hành đến Việt Nam của ngài

Tiểu sử Đức Drupon Sonam Jorphel Rinpoche


TIỂU SỬ CỦA ĐỨC DRUPON SONAM JORPHEL RINPOCHE
 Nguyên tác: “Most Venerable Drupon Sonam Jorphel Rinpoche”
Thanh Liên Việt dịch

    Ladakh là một miền đất tuyệt đẹp được gia hộ bởi một chuỗi liên tục không gián đoạn các
vị Vua và thượng thư thông tuệ và chứng ngộ, là hiện thân của các Đại Bồ Tát. Một trong những thung lũng trong vùng thấp của miền đất này là Bodhkharbu, tại đây Đức Drupon Jorphel Rinpoche ra đời trong một gia đình tên là Gongmapa. Thân phụ ngài là Sonam Tsephel và thân mẫu là Chosnyit Zangmo, một phụ nữ có bản chất hết sức tốt lành, lịch thiệp và độ lượng. Ngài là con út trong gia đình có bốn trai và một gái.

    Vào sáng sớm ngày mồng 10 tháng 2 năm Thổ Mẹo, ngài ra đời thật nhẹ nhàng với nhiều điềm kỳ diệu và tốt lành, không làm mẹ ngài đau đớn khi chuyển dạ. Theo khoa chiêm tinh, bởi ngài sinh vào ngày thứ năm nên ngài sẽ thông tuệ và thực hành Pháp. Tiên tri nói rằng bởi sao hộ mạng của ngài là Yugpa, ngài sẽ sống từ 28 tới 90 tuổi. Vào ngày mồng 10 và trong tháng 10 ngài sẽ gặp những chướng ngại bởi ngôi sao về việc ngài ra đời được in dấu trên bàn tay ngài. Dấu hiệu rõ ràng khác là một hình chữ vạn theo chiều kim đồng hồ xuất hiện trên mu bàn tay trái của ngài.

    Vào lúc này, Pháp Vương ở Ladakh là Choje Chosku Tsang. Ngài kiểm tra đứa trẻ thật trìu mến và thương yêu nó mặc dù nó còn rất nhỏ. Ngài thực hiện một tiên tri rõ ràng cho bà mẹ rằng nếu đứa bé được nuôi dưỡng hoàn hảo và thọ giới xuất gia, nó sẽ mang lại lợi lạc to lớn cho rất nhiều chúng sinh. Ngài đặt tên cho cậu bé là Jorphel Palzangpo và ban rất nhiều gia hộ, điều đó làm kinh ngạc những người hiện diện.

    Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, Drupon Jorphel Rinpoche đã biểu lộ lòng từ ái bẩm sinh đối với những người nghèo khó và lòng sùng mộ đối với những bậc minh triết. Đặc biệt là ngài có thiên hướng tỉnh giác của Đại thừa với sự thông tuệ kỳ diệu bẩm sinh và luôn luôn biểu lộ lòng thương yêu và chân thật một cách tự nhiên thậm chí không cần phải rèn luyện các hành vi đạo đức. Ngài thích thực hành Pháp siêu việt một cách tự nhiên. Cách ngài giảng dạy Pháp, phương pháp và trí tuệ về phương diện đi vào con đường và những nỗ lực của ngài để làm lợi lạc chúng sinh phù hợp với những biểu hiện kết quả được giảng dạy trong Abhisamayalankaranama.

    Có câu nói rằng:

    Bồ đề tâm sẽ không từ bỏ ta
    Như cò thìa từ bỏ nước và khói từ bỏ lửa
    Có thể xét đoán gia đình của một Bồ Tát minh triết
    Bằng những đặc điểm của ngài.

    Phù hợp với những điều này, bởi Drupon Jorphel Rinpoche là một Bồ Tát với một tâm hồn cao quý và những ý hướng phi thường, mọi người trong làng nói rằng ngài hẳn là một hóa thân vĩ đại. Đặc biệt, thông tin ầm ĩ như gió nói rằng ngài là hóa thân của Trì minh vương Tashi Wangdan hay Balok Gelong, một đệ tử thành tựu của Drupon Choskyab Rinpoche. Tuy nhiên, đối với ngài, danh hiệu Tulku này tan biến như một cầu vồng, bởi ngài không quan tâm tới một địa vị như thế và thân phụ của ngài xuất thân từ một gia đình nghèo khó chắc chắn là không chú tâm tới vấn đề này. Đặc biệt là thân phụ và ông của ngài không ích kỷ và vô minh như nhiều người thời nay.

    Từ bốn tới năm tuổi, Drupon Jorpehel Rinpoche bắt đầu học đọc với thân phụ. Ngài đọc Tuyển tập các Đà-ra-ni; 8000 câu kệ; Kinh Súc tích; Tiểu sử của Đức Liên Hoa Sanh. Sau đó ngài học thuộc lòng toàn bộ các nghi thức và những cách thức cử hành Pháp của dòng Drikung Kagyu. Ngài nổi tiếng bởi rất thông tuệ khi học tập rộng rãi như thế. Không chỉ học tập xuất sắc vào ban ngày, ngài cũng có thể học thuộc lòng các trì tụng trong các giấc mơ mà không cần đọc các bản văn.

    Khả năng đọc các bản văn vào ban ngày cũng như trong các giấc mộng thì giống với tiểu sử của Đức Karmapa Rolpe Dorje trong quá khứ. Theo tiểu sử của Karmapa Rolpe Dorje, mỗi đêm ngài mở nhiều bản văn và sắp xếp chúng quanh giường và trong giấc mộng, ngài có thể học thuộc lòng những từ trong các bản văn và hiểu ý nghĩa của chúng. Tương tự như vậy, Drupon Sonam Jorphel Rinpoche siêu phàm đã học thuộc lòng các bài Pháp trong và ngoài giấc mơ. Một trong nhiều bản văn mà ngài hoàn toàn học thuộc lòng trong các giấc mơ mà không phụ thuộc vào việc đọc bản văn vào ban ngày là  ‘Hai mươi Lời Tán thán Shinskyong’. Như thế ngài đã hết sức nỗ lực không chút xao lãng trong việc học tập, cả ngày lẫn đêm trong các giấc mộng, với sự thông tuệ và kiên nhẫn bẩm sinh, theo cách thế của những bậc siêu phàm thủa trước.

    Mặc dù sinh trong một gia đình có bề ngoài nghèo khó,
    Tâm ngài thấm đẫm vẻ đẹp tận thâm sâu
    Của sự thông tuệ và kiên nhẫn bẩm sinh.
    Bất biến trong bản tánh siêu phàm của ba bí mật,
    Ngài là một Bồ Tát vô úy không khác một núi vàng.

    Năm lên tám, Drupon Jorphel Rinpoche cúng dường tóc trên đỉnh đầu cho Ladakh Cheje Togden Rinpoche và nhận Pháp danh “Konchok Samtan.” Đối với việc tu học, sau đó ngài được thu nhận và trở thành một Sa di trong tu viện Yungdrung Tharpa Ling, một địa điểm tốt lành phi thường mà các học giả và thành tựu giả trong quá khứ như A La Hán Nyima Gungpa, Đại Thành tựu giả Naropa và Dịch giả Rinchen Zangpo đã thăm viếng. Một lần nữa ngài học các nghi lễ, các tác phẩm Giáo Pháp và phụng sự tu viện phù hợp với những truyền thống cổ xưa và trở nên nổi tiếng như một tiểu Sa di xuất sắc mà mọi người đặt rất nhiều kỳ vọng.

    Nơi người ta thành tựu Trí tuệ Nguyên sơ Đại Lạc của Dharmadhatu (Pháp giới),
    Suối nguồn của mọi điều tốt lành nhờ thấy, nghe và xúc chạm,
    Yungdrung Tharpa Ling, Giáo Pháp, suối nguồn của sự giảng dạy và thực hành.
    Kỳ lạ thay! Trụ xứ này của những bậc siêu phàm thật tuyệt diệu.
    Việc nghiên cứu, suy niệm và thiền định

    Để có sự xác tín nơi truyền thống của các Đạo sư vĩ đại thủa trước, sự thực hành của những môn đồ uyên bác của các ngài và những tuyển tập giáo lý Kinh điển và Mật điển bao la, năm Drupon Jorphel Rinpoche mười sáu tuổi, ngài ao ước được đến Drikung Thil, Kim Cương Tòa thứ hai, là trung tâm đối với Ý nghĩa Cốt tủy của Dòng Thực hành trong Xứ Tuyết và trụ xứ của Đức Gyalwa Jigten Sumgon. Một cuộc du hành như thế cũng là một thông lệ và ngài muốn trung thành với điều đó. Để thực hiện chuyến đi này, ngài đã bất chấp gian khổ và đón nhận những khó khăn. Không quan tâm tới thân mạng, ngài khởi hành qua Kashmir, Ấn Độ, Nepal, Sikkim, Bhutan và Dromolung. Trên đường đi, ngài mặc áo giáp xác tín không khiếp sợ trước bất kỳ điều gì xảy ra như địa hình khắc nghiệt, các sông băng thăm thẳm tận chân trời, những lối đi lởm chởm đá, các vách đứng, những con sông khổng lồ và kẻ cắp. Như thế với hai mươi lăm bạn đồng hành, ngài đã khởi hành để đến nhận các quán đảnh và khẩu truyền Giáo lý Năm Thân. Ngài đến nơi an toàn và xin phép tới Tu viện Drikung Thil lộng lẫy và trở thành một người lão luyện các vũ điệu tâm linh, các giai điệu, tranh vẽ, mạn đà la cát, điêu khắc bơ, các nhạc khí, nghi lễ và Phật sự.

    Ngài gặp Chetsang và Chungtsang, các Kyabgon (đấng Quy y và Bảo hộ), và cũng đi hành hương tới tất cả những thánh địa ở Utsang và quanh vùng Utsang chẳng hạn như Tsukakhang vĩ đại ở Lhasa. Quan trọng hơn nữa là từ Choje Balok Thubten Choedak Rinpoche, một trong ba mươi đệ tử của Đức Jigten Sumgon, ngài nhận khẩu truyền Kinh điển Phật Pháp và những quán đảnh, khẩu truyền và giáo lý nền tảng của toàn bộ những bản văn nghi lễ và thực hành, giống như một chiếc bình trút sang chiếc bình khác. Sau đó ngài tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhà Ngari ở Drikung Thil và kiên trì thực hành thiền định, giống như cách thức của Đức Atisha xứ Ấn Độ. Trong thời gian này xảy ra những biến động của thời đại, những trận chiến và cách mạng tiếp diễn khiến ngài khó có thể trụ vững. Mặc dù thế, ngài vẫn duy trì phẩm chất của một hành giả và tiếp tục việc nghiên cứu và thiền định với sự xác quyết kiên cố trong chín tháng nữa.

    Sau đó Drupon Jorphel Rinpoche trở về Ladakh và trở thành tổng quản của Tu viện Hensku, một chi nhánh của Yungdrung Tharpa Ling trong ba năm. Đối với mọi người ngài có vẻ là một bậc phi thường tuân giữ nghiêm cẩn định luật nghiệp quả và thực hiện nỗ lực nhanh chóng nhất để làm lợi lạc cho người khác trước khi cho bản thân ngài. Họ khẩn nài ngài làm tổng quản thêm một lần nữa và ngài đồng ý làm thêm hai năm. Về sau ngài trở thành tổng quản của Tu viện Sangngak Choeling ở Bodhkharbu trong ba năm và đã thực hiện những hoạt động rộng lớn. Sau đó, phụ mẫu của ngài qua đời và ngài hiến dâng phụng sự đức hạnh rộng lớn của hai tích tập và đã thực hiện sự hồi hướng và cầu nguyện sâu rộng.

    Vì lợi lạc của Phật Pháp và hạnh phúc của chúng sinh, ngài đi gặp Taklung Tsetrul Rinpoche ở Tu viện Zang Zang Palri tại Chushul. Từ vị Thầy này ngài nhận những quán đảnh, khẩu truyền, giáo huấn cốt tủy cũng như các giáo lý nền tảng Bảy Kho tàng của Longchenpa, Ba Chuỗi Nghỉ ngơi, Ba Chuỗi Tự-giải thoát.

    Từ học giả và bậc chứng ngộ Gelong Gyaltsen Rinpoche ở Tu viện Sharkhul Phuntsog Choling ở Ladakh thượng, ngài nhận những lời dạy về nhiều giáo lý y học chẳng hạn như bốn Mật điển y học.

    Ngài cũng nhận các giáo lý cikitsavidya (y học) từ bác sĩ Thinle Odzer. Từ Khenchen Noryang Rinpoche, một bậc Thầy đã phổ biến rất nhiều giáo lý Kagyu trong thời đại suy hoại, ngài đã nhận các giáo lý về sách giáo khoa ngữ pháp, Abhisamayalankara (Trang nghiêm Chứng ngộ của Trí tuệ Ba la mật), Uttaratantra (Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng), Madyamikaavatara (Nhập Trung Đạo) và v.v…

    Khi đã phát triển mối quan tâm lớn lao trong việc nghiên cứu và thiền định, ngài tới thánh địa Rewalsar, nơi an trú của Khenchen Thupten Choezang Rinpoche, một học giả và bậc chứng ngộ với những phẩm hạnh vô song về kiến thức, sự tận tâm, và tốt lành, bậc soi sáng giáo lý kho tàng phương bắc của truyền thống Mật thừa cổ xưa Dorje Dak. Cùng với hóa thân của Shabtrung Ngawang Namgyal xứ Bhutan, Drupon Jorphel Rinpoche làm hài lòng Khenchen Rinpoche với thân, ngữ, và tâm ngài và nhận nhiều giảng dạy về văn học như ba pho sách giáo khoa về ngữ pháp, thi ca, khoa nghiên cứu về vần luật và hình thức thi ca, các từ đồng nghĩa và cả Giáo pháp về nội khoa chẳng hạn như Cổng vào Kiến thức; Nhập Bồ Tát Hạnh; Pháp Tu Chuẩn bị; Những Câu Kệ Gốc và Luận giảng về sự Trang nghiêm Trung Đạo; Trang nghiêm Chứng ngộ của Trí tuệ Ba la mật, trong thời gian bốn năm.       

    Hết sức hài lòng vì bản chất đáng kính của ngài, Khenchen Thupten Choezang Rinpoche nói: “Ta đã phơi bày mọi ngôn từ của trái tim ta cho ông, Sonam Jorphel.” Như thế, ngài hết sức may mắn được nhận nhiều giáo huấn cốt tủy sâu rộng, sự làm thuần thục và giải thoát, cùng với lòng từ ái và thương yêu to lớn.

    Có lần trong thời gian này, Drupon Jorphel Rinpoche có việc phải đi Manali. Ngài cư ngụ tại nhà của một gia đình và ban đêm ngài ngủ trong một gian phòng ở tầng trên. Ngài thấy vô số giấc mơ, trong đó có những giấc mơ khác thường nhưng ngài không muốn để lộ ra. Sau này, ngay khi ngài biết là có một đại yogi đang ở tầng dưới, ngài đi gặp vị đó.

    Giây phút ngài nhìn thấy vị yogi, trong lòng ngài dấy lên một cảm giác buồn vui lẫn lộn và lòng sùng mộ không thể tưởng tượng nổi. Ngài tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy một Lạt ma đích thực nhưng buồn vì đã tạo nghiệp xấu bởi ngài đã ngủ phía trên Lạt ma trong phòng ở tầng trên. Drupon Jorphel Rinpoche nói rằng ngài khó có thể nói được ngay cả danh hiệu của vị Thủ hộ của các Yogi siêu phàm đó, nhưng nếu ngài làm điều đó thì đó là vì lợi lạc của chúng sinh. Ngài nói yogi đó là Drubwang Konchok Zodpa Gyatso hay Chunga Rinpoche, một hiện thân của Đại Thành tựu giả Dombi Heruka, vị Thủ hộ của các Yogi và là một Viên Ngọc Như ý.

    Vào lúc đó, khi Drupon Jorphel Rinpoche cảm thấy một sự sùng mộ trọn vẹn, những tư tưởng tầm thường, khinh xuất hoàn toàn tự ngừng bặt và ngài an trụ trong trạng thái đó một thời gian. Ngài cúi đầu dưới chân Lạt ma và khẩn cầu Lạt ma coi ngài là đệ tử. Lạt ma chấp nhận điều đó và hỏi ngài từ đâu tới. Khi ngài trả lời là từ Ladakh tới, Lạt ma nói: “Ồ! Ồ! Đó là một trùng hợp ngẫu nhiên tương thuộc hết sức tốt lành.” Vị Lạt ma ban cho ngài một ít rượu để uống trong một chén sọ người mà ngài luôn luôn mang theo. Khi ngài uống cạn chén rượu không chút nghi ngờ, vị Lạt ma hết sức âu yếm ban cho ngài một vài giáo huấn cốt tủy và tiên tri: “Hai chúng ta có mối tương thuộc hoàn hảo, ta sẽ gặp lại nhau sau này.” Như thế họ chia tay nhau với sự miễn cưỡng.

    Năm ba mươi lăm tuổi, Drupon Jorphel Rinpoche tới Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng). Ở đó ngài gặp Khunu Lama Tenzin Gyaltsen, một yogi ẩn dật vĩ đại, một bậc siêu phàm không-bộ phái tinh thông đại dương các giáo lý Phật giáo và phi-Phật giáo. Khi Drupon Jorphel Rinpoche khẩn cầu vị Thầy này một vài giáo lý, ngài hỏi: “Thầy ông là ai?” Drupon Jorphel trả lời: “Thầy con là Gegen Choszang Rinpoche.” Khunu Rinpoche chắp hai bàn tay và tán thán: “Ngài là một học giả uyên bác và là bậc chứng ngộ.” Khunu Rinpoche dạy Drupon Jorphel Rinpoche luận giảng ngag sgron (Ngọn Đèn Ngôn ngữ) là tác phẩm của ngài và ban cho Drupon Jorphel Rinpoche khẩu truyền byang chub sems bstod (Tán thán Bồ đề tâm), vài hạt giống của cây Bồ đề và các ngài đã cùng nhau thảo luận thật lâu.

    Một đệ tử của Bồ Tát Tenzin Gyaltsen Rinpoche là Drikung Khandro hay Nene Rinpoche; một yogini (nữ hành giả) trong hình tướng con người. Bà nói với Drupon Jorphel Rinpoche: “Ngay bây giờ đây, Dòng Drikung vô cùng suy yếu và bị thiệt thòi. Tôi khẩn nài ngài lưu ý để Dòng Drikung càng lúc càng phát triển hơn và những tổn hại được sửa chữa trong tương lai.” Đặc biệt là bà nói: “Tôi rất hy vọng là ngài sẽ làm lợi lạc Phật Pháp và chúng sinh. Đừng bỏ lỡ điều đó. Đừng bỏ lỡ điều đó.” Đúng như bà đã tiên tri, như một điều rất hiển nhiên đối với chúng ta, hãy nhìn các hoạt động giảng dạy và thực hành của Drupon Jorphel Rinpoche. Những ai là bậc minh triết nhất định sẽ phải chú ý tới những điều này.

    Sau đó, tiên tri của Drubwang Chunga Rinpoche dường như trở thành hiện thực, biểu lộ tính chất không thể sai lạc của mối tương thuộc hoàn hảo nhân và quả. Với những nguyện ước vô song, Ladakh Choeje Togden Rinpoche và Khenchen Konchok Tenzin đồng lòng quyết định thỉnh mời Viên Ngọc Như ý Drubwang Chunga Rinpoche tới Ladakh để có thể thắp lại ngọn lửa sắp tàn của Dòng Drikung. Họ phái Gelong Tsetan tới Himachal, đặc biệt để mời Drubwang Chunga Rinpoche.

    Bởi những nguyện ước và hứa nguyện kiên cố trong quá khứ, Drubwang Chunga Rinpoche đã hết sức ân cần chấp thuận lời cầu thỉnh và tới Chusul ở Ladakh, chỉ vì lợi lạc của các giáo lý vô cùng quý báu của Dòng Thực hành mà ngài không ngừng ấp ủ trong tim.

    Khi Drubwang Chunga Rinpoche đã có mặt ở Ladakh, Choeje Togden Rinpoche chỉ định một vài tu sĩ nhập thất và đặc biệt là đã gọi Drupon Jorphel Rinpoche lại và thuyết phục ngài thực hành trong ẩn thất để truyền bá yếu nghĩa của Dòng Thực hành.

    Vào lúc đó, ngài nghĩ rằng đã tới thời điểm ngài đặc biệt ao ước để kiên nhẫn trong việc thực hành yếu nghĩa và cũng có thể mang lại lợi lạc cho Phật Pháp và chúng sinh. Vì thế Drupon Jorphel Rinpoche tự quyết định và đồng ý với lời khẩn cầu của Choeje Togden Rinpoche. Phương tiện sinh sống của  Drupon Jorphel Rinpoche trong thời gian nhập thất sẽ được bảo trợ bởi Chushul Meme Gawa Tsang, Lhobzur Konchok Gyatso - bạn ngài - và mẹ của ngài. Ngoài ra, bản thân Drupon Jorphel đã chữa trị cho một vài bệnh nhân và kiếm được một ít tiền.  Như thế phương tiện sinh sống trong thời gian nhập thất của ngài được sắp xếp một cách tự nhiên.

    Khóa nhập thất đầu tiên được thực hiện ở Zang Zang Palri tại Chushul, nơi một đệ tử thiết lập một tu viện theo tiên tri của Guru là ngài Kyabgon Thugje Nyima.    Khóa nhập thất này gồm có Drupon Jorphel Rinpoche và các bạn đồng tu của ngài như Lhobzur Konchok Gyatso, Lhobzur Konchok Tenzin, Gelong Tseten, Gelong Choejor, Gezur Konchok Thusten, Uzur Konchok Dorje, Dezur Konchok Lhundup, Gelong Gatsul, Gelong Trimten và Amje Rabten.  

    Tại Zang Zang Plari ở Chushul, Drubwang Chunga Rinpoche đã giảng dạy các giáo lý tổng quát như Pháp Bảo của sự Giải thoát; Chuỗi Ngọc của Con Đường Siêu việt; Hai Luận giảng của Gongchik; Ba mươi bảy Thực hành của các Bồ Tát.   

    Ngài cũng dạy các giáo lý về thực hành thiền định như Quán đảnh và Thực hành pháp Trường thọ; Năm nhánh Đại Ấn; Các Câu Kệ Kim cương của Dòng Lắng nghe; Mật điển Sánh tợ Không gian; Đại Ấn Sông Hằng; Dòng Lắng nghe của Milarepa. Như thế, Drupon Jorphel Rinpoche cùng mười một hành giả đầy đủ phẩm tính đã nhận những quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy làm thuần thục và giải thoát phù hợp với các giai đoạn của con đường. Các ngài đã nhất tâm nhẫn nại trong việc nghiên cứu và thực hành, giương cao ngọn cờ giáo lý chiến thắng của các Đạo sư siêu phàm thủa trước của Dòng Thực hành trên chóp đỉnh của ba cõi và làm cho giáo lý của Đức Phật lan rộng khắp muôn phương.

    Lần thứ hai, Drupon Jorphel Rinpoche nhập thất tại Lamayuru hay Dansa Chenpo Yungdrung Tharpa Ling, một địa điểm phi thường, nơi nhiều bậc siêu phàm như A La Hán Nyimagungpa và Đại Thành tựu giả Naropa v.v.. đã viếng thăm. Lần này Drubwang Chunga Rinpoche có mười lăm đệ tử trong đó có Đức Drikung Kyabgon Chetsang.

    Khi đã tới lúc Lạt ma Drubwang Chunga Rinpoche thị tịch vì lợi ích của chúng sinh, người duy nhất mà Lạt ma có thể tin tưởng được là Drupon Jorphel Rinpoche. Ngài được ban một vài giáo huấn cốt tủy dưới hình thức di chúc của Lạt ma. Sợ rằng các giáo huấn cốt tủy có thể trở thành sự cường điệu và phỉ báng, ngài đã gìn giữ chúng ở tận đáy lòng mình. Drubwang Chunga Rinpoche nắm tay Drupon Jorphel Rinpoche trong bàn tay phải của mình và nói: “Hãy thực hành theo cách ta đã dạy cho con. Ta hiểu niềm vui và nỗi buồn của con. Nhờ Bổn tôn và Lạt ma, hành giả không bao giờ bị sai lạc.” Sau này, Drubwang Chunga Rinpoche ra lệnh: “Bây giờ con cũng hợp nhất với ta và hãy tụng ‘Gọi thầy Từ Xa.’” Trong khi hai Thầy trò đang tụng ‘Gọi Thầy Từ Xa’, Lạt ma cầm tay Drupon Jorphel Rinpoche bằng bàn tay phải và nói “Shewe Lodro Khenno!” Rồi với đôi mắt mở lớn đăm đăm nhìn lên không trung, Lạt ma nhập Niết bàn.

    Các đệ tử chìm đắm trong buồn đau và được hướng dẫn thực hiện các tang lễ thích hợp. Một hội nghị được tổ chức trong mọi đệ tử và những người đồng lòng tuân theo lời dạy của Lạt ma Tôn quý. Đức Drikung Kyabgon cũng khuyên rằng cách hay nhất là thực hành pháp trường thọ và duy trì việc thực hành cá nhân trong các phòng nhập thất thích hợp.

    Đúng như Drubwang Chunga Rinpoche đã dự định, Drupon Jorphel Rinpoche ban các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy cho những hành giả sau đây: Khenchen Konchok Gyaltsen, Gelong Tashi Gyatso quá cố, Gelong Konchok quá cố, Lobzur Tondup, Drupon Sonam Kunga, Gelong Tsering, Drupon Chamba Rigzin, Drupon Konchok Samten, Gelong Paldan, Lama Konchok Tharchan, Gelong Dawa, Nangchen Gelong Tsulten, Gelong Samtan, Lhopon Tondup – người anh quá cố của Drupon Jorphel Rinpoche.

    Sau này, Đức Drikung Kyabgon Chetsang, vị kế thừa giáo lý của Gyalwa Drikungpa tượng trưng cho trái tim của Dòng Ý nghĩa, với bản tánh tự nhiên của một đấng siêu phàm, đã làm vui lòng thân, ngữ và tâm của Drupon Jorphel Rinpoche và nhận các giáo huấn cốt tủy dành cho thiền định về Lạt ma như Pháp Thân v.v.. cho tới thực hành hồi hướng. Đức Drikung Kyabgon Chetsang cũng nhận các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy Vajrayogini, phù hợp với lời dạy của Lạt ma cùng với Sáu Yoga của Naropa và những bài tập du già và v.v…Những giáo lý này được từ từ dâng lên Đức Drikung Kyabgon Chetsang, phù hợp với lời dạy của các Đạo sư thủa trước của Dòng Kagyu.

    Trước đó, Drupon Jorphel Rinpoche làm thị giả khi Đức Drikung Kyabgon Chetsang thực hiện các trì tụng thiền định trong trụ xứ chính của ngài tại Yungdrung Tharpaling, kế đó là một vài giáo huấn cốt tủy được Drubwang Chunga Rinpoche dâng cho Đức Chetsang Rinpoche.   

    Tóm lại, Lạt ma và các đệ tử đã duy trì samaya (hứa nguyện) kiên cố hơn một cái nút vàng; đã thực hành con đường hai giai đoạn; nghiên cứu và giảng dạy bốn bộ tantra (Mật điển); ngăn ngừa việc biến mất của dòng quán đảnh không khiếm khuyết và không bao giờ đánh mất sự chính xác trong thực hành của Đạo sư thủa trước của Dòng Thực hành. Không chút sai lầm trong cái thấy (kiến), thiền định (thiền) và hành động (hành), các ngài nghiên cứu và thực hành đại dương giáo lý gắn liền với Mật thừa vĩ đại.

    Trong mọi lúc, các ngài đã bảo tồn trong giai đoạn phát triển, các trì tụng thiền định và giai đoạn thành tựu và đã xem thân thể mình như thân của Bổn tôn, ngữ như các thần chú và tâm như sự hợp nhất của đại lạc và tánh Không một cách tương ứng, hoàn toàn phù hợp với các giáo huấn cốt tủy của các Đạo sư siêu phàm của Dòng Thực hành, là tập hội kiệt xuất nhất đã đáp ứng mọi ước nguyện của bản thân và chúng sinh. 

    Đối với nhóm hành giả được đề cập ở trên,  Drupon Jorphel Rinpoche đã ban các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy Vajrayogini và Sáu Yoga của Naropa, kể cả các giáo lý nền tảng, hoàn toàn phù hợp với phương pháp của Lạt ma siêu phàm. Vì lợi ích của Phật pháp và chúng sinh, ngài đã biểu thị những hoạt động vĩ đại đáng kinh ngạc như đề xướng việc hồi sinh các giáo lý truyền dạy và chứng ngộ nói chung và một lần nữa truyền bá các giáo lý của Gyalwa Drikungpa nói riêng. Như thế, ngài đã bảo tồn các kỹ thuật của Đạo sư thủa trước của Dòng Thực hành, là dòng truyền thừa như sợi xích vàng không có những vết nhơ của các vi phạm samaya. Những lợi lạc to lớn được thành tựu bởi các đệ tử phi thường như thế, là các bậc hộ trì, bảo tồn và truyền bá Kinh điển và Mật điển cùng những luận giảng được mô tả rõ ràng trong các Kinh điển và Mật điển, và vì thế tôi không ghi lại những điều đó ở đây. 

    Drupon Jorphel Rinpoche đã nhận kho tàng bao la giáo lý của Đức Phật, các quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy, kể cả các giáo lý nền tảng cũng như nhiều giáo huấn sâu rộng như khrid yig yeshes blama của Đức Dilgo Khentse Rinpoche, hiện thân của Đức Liên Hoa Sanh và vị lãnh đạo tâm linh của truyền thống Cựu Dịch. Ngài đã nhận Kho tàng Quý báu các giáo lý-kho tàng (terma) từ Đức Kyabje Drubwang Penor Rinpoche. Ngài đã nhận nhiều quán đảnh, khẩu truyền và giáo huấn cốt tủy từ Taklung Matrul Rinpoche, Shabtrung Rinpoche, Đức Kyabje Dudjom Rinpoche, Đức Karmapa Thứ 16 Rigpe Dorje, Đức Đạt Lai Lạt Ma, biểu tượng của nền hòa bình thế giới và vị thủ hộ của trời và người, và nhiều Lạt ma chân chính khác. Về tên của những giáo lý này, quý vị có thể tham khảo danh mục các giáo lý ngài đã thọ nhận. Bởi không đủ thời gian, tôi không liệt kê các giáo lý đó ở đây và xin tạ lỗi về điều đó.

    Những Hoạt động Rộng lớn của Rinpoche để Truyền bá Phật pháp

    Từ năm 1983, Drupon Jorphel  đã du hành tới nhiều quốc gia. Ngài đã thiết lập nhiều trung tâm Giáo Pháp như Drikung Tahijong ở Đức, Drikung Phuntsogling tại Áo và trung tâm Giáo Pháp Drikung Kagyu ở Nga và bằng cách chuyển Pháp luân, ngài đã giúp cho nhiều người chuyển tâm về Pháp. Trong số các đệ tử của ngài, nhiều người là những đại thí chủ của Giáo Pháp. Những người thượng căn đã đạt được giải thoát trong đời này. Những người trung căn đạt được giải thoát vào lúc chết và những người hạ căn đạt được giải thoát trong trạng thái trung ấm.

    Trong số các đệ tử hiện tại của ngài có Tara ở Áo và Ngakpa Rinchen Phuntsok là những người đã hiến dâng toàn bộ đời mình cho việc phụng sự Drupon Jorphel Rinpoche. Đa số các đệ tử của ngài thuộc các truyền thống Sakya, Gelug, Kagyu và Nyingma cũng như ở Ấn Độ, Trung quốc, Nepal và Tây Tạng, là những người tìm kiếm sự toàn giác, nỗ lực nghiên cứu và thực hành Pháp và bước đi trên con đường tam học (Giới, Định, Huệ) và nghiên cứu Tam Tạng Kinh điển (Kinh, Luật Luận). Ngay cả một kẻ ngu si như bản thân tôi cũng đã để ý xem làm thế nào hầu hết đệ tử của ngài nhẫn nại liên tục, cả ngày lẫn đêm, trong việc thực hành Pháp bằng cách cưỡi trên con ngựa trí tuệ và đốc thúc nó gia tăng tốc độ bằng chiếc roi da của sự nỗ lực tinh tấn.

    Ngoài ra, Drupon Jorphel Rinpoche đã du hành khắp thế giới, ở những quốc gia như Hoa Kỳ, Thụy sỹ, Đài Loan, Mã Lai và Nga và mang lại nhiều lợi lạc cho tất cả chúng sinh bằng cách xoay chuyển tâm họ về Pháp. Tôi đề nghị các bạn xem video để hiểu thêm về những hoạt động soi sáng toàn thể ba cõi của ngài.

    Vào năm 2000, trong Khóa Giảng Năm Tỵ tại Jangchub Ling, Ấn Độ, Drupon Jorphel Rinpoche đã thực hiện một công hạnh bố thí vĩ đại bằng cách ban Giáo Pháp như-cam lồ là bảy Mật điển của Ngok Lotsawa, chẳng hạn như Hey Vajra, cùng nhiều sadhana (nghi quỹ) và những luận thuyết, cho một tập hội hơn một ngàn tu sĩ, trong đó có nhiều Khenpo và Tulku. 

    Để không phí phạm những hiến cúng nhận được ở ngoại quốc, Drupon Jorphel Rinpoche đã sử dụng chúng để thiết lập các trường Phật học và các trung tâm thiền định và xây dựng các biểu trưng của thân, ngữ và tâm theo cách thức sau đây: 

    Để tổ chức các Đại lễ Cầu nguyện bất bộ phái hàng năm ở Ladakh, ngài đã hiến tặng tận tay Chủ tịch Wangchuk số tiền 7.000.000 ru-pi. Bằng cách tạo điều kiện thuận tiện cho việc tổ chức Đại lễ Cầu nguyện được toàn hảo, việc này mang lại một lợi lạc to lớn cho Phật pháp và chúng sinh. Ngoài ra, ngài đã hiến tặng hàng trăm và hàng ngàn ru-pi để làm quỹ xây mới các tu viện của mọi tông phái. 

    Tại Bodkharbu, ngài đã hiến tặng 8.000.000 ru-pi cho quỹ xây dựng dinh thự cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

    Ngài đã tặng 400.000 ru-pi cho Tu viện Gangngon Tashi Chedzong để thực hiện nghi lễ kun rigs (sarvavid) và Một Trăm Triệu Trì tụng Thần chú Mani hàng năm.   

    Ngài đã tặng một Thanka (tranh cuộn Tây Tạng) thêu khổng lồ và sáu mươi tượng mạ vàng của chuỗi vàng các Đạo sư Kagyu kể cả những chất thể linh thiêng cho Tu viện Yungdrung Tharpa Ling.

    Ngài đã tặng trọn bộ Bản dịch Giáo lý của Đức Phật và 100.000 ru-pi cho Tu viện Shachul Phuntsok Choeling.

    Ngài đã tặng 100.000 ru-pi cho Sani Gonpa tại Zangskar.

    Ở Đề Li, ngài đã khai mạc Đề án Bản văn Drikung Kagyu, là đề án đã in ấn nhiều tác phẩm quan trọng.

    Dinh thự của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Bodkharbu là một mô hình của Yumbu Lhakhang ở Tây Tạng. Trong lễ khánh thành dinh thự này, Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng hoan hỉ và với thiện tâm to lớn, ngài đã ban nhiều giáo lý sâu xa. Trong bài diễn văn, Đức Đạt Lai Lạt Ma hứa sẽ viếng thăm nơi đây một lần nữa. Là những hoạt động vĩ đại đã thực hiện được, dinh thự giống như một vật trang hoàng tuyệt đẹp để nhân dân Ladakh tích tập công đức mới.  

    Ngoài ra, Drupon Jorphel Rinpoche đã thành lập các ni viện và trung tâm nhập thất mới; hiến cúng rộng rãi cho Drikung Thil, Kim Cương Tòa thứ hai; cúng dường một trụ xứ và các vật thể tượng trưng cho thân, ngữ và tâm của Đức      Drikung Kyabgon Chungtsang, vương miện của toàn bộ dòng Dagpo Kagyu, vị lãnh đạo của toàn thể chúng sinh, bậc chỉ ra con đường siêu việt và đại diện của Đấng Chiến Thắng. Thêm nữa, Drupon Jorphel Rinpoche đã thực hiện những công hạnh bố thí vĩ đại cho nhiều tu viện và cộng đồng Drikung Kagyu. Tại Ngari, Tây Tạng, ngài đã giúp tái thiết tu viện Gyandrak và bảo trợ việc cung cấp thực phẩm cho các tu sĩ.

    Tại Nepal, ngài đã thiết lập một trung tâm nhập thất tại Tatopani và Tổ chức Drikung Kagyu Dharamraja Foundation, trụ xứ của khoảng một trăm tăng sinh và thầy giáo của họ. Ngài có kế hoạch thiết lập một Học viện biện chứng trên ngọn đồi thiêng phía sau Đại Bảo Tháp Syambunath.  

    Dựa trên bản chi tiết kỹ thuật được thiết lập, ngài đang xây dựng nhiều bảo tháp chứa đầy những chất thể xác thực:

    Việc xây dựng một trung tâm nhập thất và một Đại Bảo Tháp Liên Hoa đang tiến hành tại Lâm Tì Ni, để tưởng nhớ Đạo sư Vô cùng Thiện xảo và Đại Bi của chúng ta, Đấng Toàn Giác, Quốc Vương vô song của bộ tộc Thích Ca.

    Ngài cũng xây dựng một Bảo Tháp Thuận Hòa ở Đức; một Bảo Tháp Chiến Thắng Không Chướng ngại tại Áo; một Bảo Tháp Giáng Thế ở Nepal tại Đại Bảo tháp Swyambhunath; một Bảo Tháp Giác ngộ tại Tatopani; một Bảo Tháp Thuận Hòa tại trung tâm nhập thất ở Lamayuru như các món cúng dường cho Drubwang Chunga Rinpoche; một Bảo Tháp Giác ngộ và các pho tượng của Đức Văn Thù, Kim Cương Thủ và Quán Thế Âm tại Henassku; một Bảo Tháp Giác ngộ và các pho tượng của Đức Văn Thù, Kim Cương Thủ và Quán Thế Âm tại Shachukul; một Đại Bảo Tháp Liên Hoa tại Pithodgar ở bắc Ấn Độ và một Bảo Tháp Giác ngộ như món cúng dường cho Thupstan Choszang Rinpoche, trong mộ địa vĩ đại tại Sani, Zangskar, nơi vị Thầy này viên tịch.   

    Drupon Jorphel Rinpoche cũng liên tục truyền bá các thiền định và trì tụng trong bốn thời khóa. Như thế ngài phụng sự như một sứ giả làm chói ngời các hoạt động vĩ đại để truyền bá và thâm nhập khắp ba cõi. Như đã đề cập ở trên, ngài là một đệ tử đích thực của Drubwang Chunga Rinpoche, đã thực hiện mọi sự phù hợp với lời dạy của Lạt ma. Nhờ bản chất và sự hiến dâng toàn hảo cho Phật pháp và chúng sinh, ngài đã thiết lập các tu viện như những biểu trưng cho thân Phật; các thư viện giáo lý của Đức Phật và những luận giảng như các biểu trưng cho ngữ Phật; các Học viện biện chứng và trung tâm nhập thất cùng những cộng đồng tâm linh như những biểu trưng cho tâm Phật. Ngài là một thiện tri thức đích thực hiện diện trong cuộc đời như sự vinh quang và vị thủ hộ của Phật pháp và chúng sinh với thân tướng vĩ đại chói ngời, ngôn ngữ lộng lẫy không mỏi mệt và tâm thức bất biến trong sự xả bỏ hoàn hảo.

    Nguyên tác: “Most Venerable Drupon Sonam Jorphel Rinpoche”
    www.drikung.org/index.php?option=com_content&view=article&id=90...202 –

    Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Hình Lịch sử Đức Phật Thích Ca

HÌNH LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA

Lời dạy của Đức Drubwang Konchok Norbu Rinpoche về việc ăn thịt

LỜI DẠY của ĐỨC Drubwang Konchok Norbu Rinpoche VỀ VIỆC ĂN THỊT
 
Ngày 8 tháng 12 năm 2003 tại Chùa Than Hsiang, Peang, Malaysia trong Khóa Nhập thất Trì tụng 100 Triệu Thần chú Sáu-Âm
1. Là Phật tử, chúng ta thực hành để làm lợi lạc cho bản thân và những người khác. Vì thế, chúng ta thực hành trì tụng thần chú Sáu-Âm (Om Mani Padme Hung). Tuy nhiên, khi chúng ta ăn thịt – thịt gà, thịt heo, cá hay trứng trong đời sống hàng ngày của ta, chúng ta đang tạo vô số nghiệp xấu.
2. Nếu một mặt, chúng ta trì tụng thần chú và mặt khác, chúng ta ăn thịt chúng sinh, thì như thế lời nói và hành động của chúng ta không đi đôi với nhau. Chúng ta không thực hành như ta đã thuyết giảng. Điều này có thể được coi là lòng từ ái và bi mẫn đối với chúng sinh? Đây có phải là làm điều tốt và tránh làm điều xấu? Chúng ta quy y Phật là bởi Giáo Pháp của Ngài có thể làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Là Phật tử, chúng ta nên thấu suốt cốt tủy của trí tuệ và giáo lý của Đức Phật, đó là làm điều tốt và tránh không phạm vào những điều ác. Tránh làm điều ác có nghĩa là ta phải tuân giữ những giới luật. Vì thế chúng ta không nên ăn thịt.
3. Khi chúng ta bệnh, già hay gần chết, chúng ta đi bác sĩ – ta thực hành và làm mọi điều có thể và kéo dài thọ mạng của ta. Tuy nhiên, khi ta ăn thịt, ta đang giết chết những chúng sinh đang còn khỏe mạnh. Lòng bi mẫn và từ ái của ta vĩ đại ra sao nếu ta đối xử với chúng sinh theo cách thức như thế? Ta nên tránh sát sinh bởi điều đó phát sinh vô số nghiệp xấu. Thay vào đó, ta nên phát triển lòng từ ái và bi mẫn đối với tất cả chúng sinh.
4. Trong vô số lần tái sinh, tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ của ta. Khi ta tái sinh trong loài người, ta có những cha mẹ trong nhân loại; khi ta tái sinh trong loài thú, ta có những cha mẹ súc sinh và v.v.. Luân hồi sinh tử là như thế. Chúng ta cần phát triển một ý thức về lòng biết ơn đối với cha mẹ trong đời này và những cha mẹ của ta trong những đời quá khứ. Vì thế, chúng ta nên là những người ăn chay và tránh dùng thịt. Theo cách thức đó, chúng ta làm điều tốt lành và mang lại ý nghĩa cho việc thực hành của ta. Nhờ làm như thế, việc thực hành thần chú Sáu-Âm của ta sẽ có thể làm lợi ích cho bản thân ta và những người khác, và cũng trợ giúp cho việc phát triển Giáo Pháp.
5. Một số người nói rằng bác sĩ khuyên họ đừng ăn chay, bởi họ sẽ bị suy sinh dưỡng. (Sự thật là thực đơn chay quân bình thì tốt hơn một thực đơn không-chay nhiều.) Đây là một dấu hiệu cho thấy sự quyết định của những người này không đủ mạnh mẽ. Bởi nếu họ có quyết định mạnh mẽ thì họ sẽ tránh làm những ác hạnh bằng mọi giá và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
6. Vì thế trong đời sống hàng ngày của ta, ta nên tránh phạm vào ác hạnh ăn thịt. Trên nền tảng này, những công đức phát sinh từ việc quy y và thực hành thần chú Sáu-Âm của ta sẽ không thể tưởng tượng nổi. Chúng ta nên nỗ lực thay đổi cách sống để thành người ăn chay. Chắc chắn là ta sẽ gặp những khó khăn khi trở thành những người ăn trường chay. Tuy nhiên, khi những chướng ngại như thế xuất hiện, ta nên nhớ tưởng mỗi một chúng sinh vào một lúc nào đó đã từng là cha mẹ của ta ra sao. Khi nhớ tới điều đó, ta sẽ không ăn thịt giống như ta không ăn thịt cha mẹ ta trong đời này.
 
Nguyên tác: “Teachings by His Eminence Drubwang Konchok Norbu Rinpoche about Meat-Eating”
http://myhealinghands.com.sg/thedharma/teachingsbyhiseminencedrubwangkonchok.htm
Konchok Tenzin Drolma dịch sang Anh ngữ, Shen Shian hiệu đính văn phạm và phân đoạn. 

Bản dịch Việt ngữ của Liên Hoa

Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ Cực Lạc

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ CÕI TỊNH ĐỘ CỰC LẠC
NHỮNG BÌNH GIẢNG KHẨU TRUYỀN
CỦA ĐỨC DRIKUNG KYABGON CHETSANG RINPOCHE


Tác giả: H.H. Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche
Michael Lewis dịch sang Anh ngữ: http://www.purifymind.com/AmitabhaDewachen.htm
Chuyển Việt ngữ: Liên Hoa
[Tải file pdf]

Nói chung, ta được biết là có nhiều cõi Tịnh Độ, nhiều cõi linh thánh của những Đấng Giác ngộ mà chúng ta gọi là chư Phật. Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà thì đúng là một nơi độc nhất vô nhị. Có những cõi Tịnh Độ ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, và ở trung tâm. Trong số đó, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là nơi dễ đến nhất và vì thế rất đặc biệt. Nhờ lập một ước nguyện đặc biệt được tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc, ta có thể thành tựu sự chuyển di tâm thức của ta tới cõi đó. Năng lực của lời cầu nguyện, năng lực của ước nguyện sùng mộ và nhiệt thành là tất cả những gì cần phải có. Trong mối liên hệ với thế giới của ta thì Cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở phương tây và ở phía trên thế giới của ta. Ta phải chấp nhận một vũ trụ quan và nhận ra rằng có nhiều hệ thống thế giới khắp không gian. Tôi đang nói tới một hệ thống hết sức bao la. Chúng ta hãy xác định vị trí của ta. Điều tôi đang nói - trong phạm vi của hệ thống vĩ đại - vận hành như sau: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đấng Giác ngộ chính yếu trong một tiểu thiên thế giới vĩ đại. Điều này có nghĩa là toàn thể hệ thống được gọi là vũ trụ của ta với những mặt trời và mặt trăng, những vì sao và hành tinh, là một đơn vị. Nhân nó lên một ngàn lần và sau đó nhân lên một ngàn lần rồi một ngàn lần nữa. Đó là ba tiểu thiên thế giới. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thống lĩnh một trong những tiểu thiên thế giới đó. Cõi của Đức Vô Lượng Quang A Di Đà thậm chí siêu vượt hệ thống vũ trụ đó.

Điều tôi đang giảng có xuất xứ từ một lời cầu nguyện do Karma Chagme sáng tác biểu lộ nguyện ước mãnh liệt được tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Trong bài nguyện, Karma Chagme nói rằng cõi Tịnh Độ Cực Lạc có phạm vi rộng lớn như thế, vượt xa thực tại bình thường của chúng ta và mắt trần của chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy nó. Nó không phải là cái gì có thể được nhìn thấy một cách vật lý. Nó quá bao la; phạm vi của nó không thể so sánh với bất kỳ tiêu chuẩn nào. Ta biết rằng nó vượt quá khả năng tri giác của các giác quan của ta. Nó rất xa và rộng lớn, vì thế hoàn toàn vượt quá khả năng đo lường của ta. Chúng ta có thể nhìn thấy những vì sao và đi tới mặt trăng, nhưng các giác quan của ta sẽ không bao giờ nhận thức được thực tại của Cõi Cực Lạc. Đối với sự suy nghĩ và nhận thức bình thường của ta thì nó quá xa và quá bao la. Trong ý nghĩa đó, ta không thể tới đó bằng bất kỳ phương tiện vật chất nào. Tuy nhiên, khi tâm ta đã được tịnh hóa, được tiệt trừ được những lỗi lầm, khi trở về trạng thái nguyên sơ của chính nó thì ta có thể trực tiếp kinh nghiệm thực tại của cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Cách thức để tri giác cõi Tịnh Độ là bằng tâm chứ không bằng những giác quan. Vì thế, hãy thiết lập cái thấy đó trong tâm bạn và hình dung rằng an trụ ở trung tâm của Cõi Cực Lạc bao la, gồm chứa tất cả là Chúa tể của cõi Tịnh Độ: Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Vô Lượng Quang. Thân Ngài có sắc đỏ và trông giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có đủ 80 tướng chính và 32 tướng phụ của một hiển lộ Hóa Thân toàn giác. Chẳng hạn như Ngài có nhục kế mà bạn nhìn thấy ở những pho tượng và thangka của Đức Phật. Trong bàn tay Ngài có những luân xa và v.v.. như bạn có thể nhìn thấy có nhiều tướng khác nhau. Hai bàn tay ở trong tư thế quân bình thiền định, Ấn Thiền Định, và trong bàn tay là một bình bát. Trông Ngài rất giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chỉ khác ở điểm nước da Ngài có mầu đỏ hồng ngọc đậm. Trông Ngài thật rực rỡ và chói lọi. Ngài an tọa trên một hoa sen và một tòa mặt trăng. Sau lưng Ngài là Cây Như ý. Bên phải Ngài là Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) có sắc trắng. Bên trái Ngài là Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), Chúa tể của Những Phương tiện Mãnh liệt. Đây là ba vị lãnh đạo của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Nói một chút về lịch sử sự hình thành cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì đó là một cõi Tịnh Độ không có những khiếm khuyết. Nó viên mãn trong mọi phương diện.

Sự nhận thức về cõi Tịnh Độ đó không xuất hiện mà không có nguyên nhân. Nguyên
nhân của cõi linh thánh toàn hảo này là gì? Rất nhiều kiếp về trước, trước khi là một vị Phật, Đức Phật A Di Đà là một tu sĩ có tên là Dharmakara (Pháp Tạng), có nghĩa đen là ‘căn nguyên của Pháp.’ Khi Ngài tu hành như một Bồ Tát, Ngài đã lập một loạt những lời cầu nguyện, hay những nguyện ước mãnh liệt, về cách thế của những sự vật khi Ngài hoàn toàn Giác ngộ. Ngài nói: “Có rất nhiều cõi Tịnh Độ và những người tới được cõi đó là những chúng sinh đã từ bỏ ác hạnh, những người đã tích tập vô số công đức, và đã chuyên cần thực hành Pháp. Họ có thể đi tới những cõi Tịnh Độ đó, nhưng điều đó rất khó khăn. Còn tất cả những người không từ bỏ ác hạnh, không tích tập rất nhiều công đức, và không thể thực hành một cách nghiêm nhặt thì sao? Tôi sẽ thiết lập một cõi Tịnh Độ để những người đó có thể dễ dàng đi tới. Nguyện tôi giải thoát tất cả chúng sinh không có những phẩm tính siêu nhiên đó của những hành giả đi tới những cõi Tịnh Độ của tất cả những vị Phật khác.” Có nhiều bản văn cầu nguyện (hay thệ nguyện) của Đức Phật A Di Đà lập nên khi Ngài là Dharmakara (Pháp Tạng). Chỉ riêng ở Tây Tạng đã có 500 bản văn cầu nguyện khác nhau. Ở Trung Hoa có nhiều bản văn về việc lập những Đại Nguyện của Đức A Di Đà. Nói chung, có thể nói rằng tất cả những nguyện ước mãnh liệt của Ngài có thể được sắp xếp thành Bốn Mươi Tám Đại Nguyện. Cõi Tịnh Độ Cực Lạc trở thành hiện thực nhờ một trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện đó. Đây là nguyên nhân sự hiện hữu của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Cõi Tịnh Độ này không hiện hữu mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân của sự hiện hữu này là hoạt động của vị Bồ Tát – bậc đã trở thành Đức Phật A Di Đà.

Nói chung, tất cả chư Phật giữ gìn mọi chúng sinh trong tâm khảm của các Ngài với lòng từ ái và bi mẫn. Bởi lòng đại bi của các Ngài, các Ngài lập những nguyện ước mãnh liệt. Các ngài lập những đại nguyện, làm việc trải qua nhiều đời; trong khi tu hành là những Bồ Tát trước khi thành Phật để ảnh hưởng tới tất cả chúng sinh bằng vô số phương cách. Giống như cọ xát hai cây gậy với nhau đủ lâu và đủ mạnh bạn có thể tạo ra lửa, nhờ tích tập công đức và trí tuệ nguyên sơ thì mọi sự đều có thể được thành tựu. Trong trường hợp này điều được thành tựu là sự thiết lập Cõi Tịnh Độ Cực Lạc ở phương tây của thế giới chúng ta nhờ sự tích tập vô lượng công đức và trí tuệ nguyên sơ của Ngài. Một lần nữa, chúng ta hãy khảo sát sự ẩn dụ của hai cây gậy cần thiết để tạo ra lửa. Lửa không xuất hiện tự nhiên từ một cây gậy. Bạn cần có hai cây gậy và cần nỗ lực cọ xát chúng với nhau bằng một cách thức đặc biệt trong một thời gian. Cuối cùng một tia lửa bật ra từ sự kết hợp của hai cây gậy và lửa bắt đầu cháy. Trong một cách thế tương tự, mọi hiện tượng, mọi thực tại, mọi pháp, đều hiển lộ nhờ sự kết hợp của tánh Không và căn nguyên tương thuộc (duyên sinh.) Mọi sự hoàn toàn có sự quan hệ hỗ tương với nhau. Điều đó được gọi là sự duyên sinh. Đó là một cây gậy. Cây gậy kia là tánh Không: Chân lý của tánh Không, sự hoàn toàn không có sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng. Hai cây gậy kết hợp với nhau, là bản tánh thực sự của thực tại. Đây là sự thực của mọi sự, của mọi thực tại.

Hãy để cõi Tịnh Độ sang một bên trong chốc lát và hãy khảo sát cõi giới chúng ta đang sống. Thế giới chúng ta thì cũng thế. Nó là sản phẩm của sự hợp nhất bất nhị của sự trong sáng (quang minh) và tánh Không, của hình tướng và tánh Không. Những sự vật xuất hiện trong một cách thế hoàn toàn không bị chướng ngại, và tuy thế chúng không có thực chất. Thực chất của chúng l à không [không có tự tánh]. Điều đó có nghĩa là mọi khả năng của kinh nghiệm bắt nguồn từ sự hợp nhất bất nhị của hình tướng và tánh Không. Chúng ta hãy khảo sát sự hiển lộ của thế giới chúng ta hay của cõi Tịnh Độ. Mọi sự không đơn thuần là một sự trống không bởi chúng có xuất hiện, có phải thế không? Ta có thể nhìn thấy rõ ràng mọi sự. Mọi sự dường như có sự hiện hữu và mọi sự có vẻ có một căn bản vật chất trong thế giới chúng ta. Đó là một vế của phương trình biểu thị sự hiển lộ rõ ràng của các hiện tượng, của những kinh nghiệm. Tuy nhiên, vế đó không thể có nếu không có tánh Không. Nếu mọi sự có sự hiện hữu vững chắc, vật chất, nội tại thì không điều gì có thể hiện hữu. Chính nhờ tánh Không mà những sự vật có thể hiển lộ như những hình tướng. Chỉ vì có tánh Không nên mọi sự vật mới có thể hiện hữu. Không có tánh Không thì sẽ chỉ là một khối cứng đặc vững chắc. Như thế thì sẽ chỉ là một vật. Không điều gì có thể hình thành sự hiện hữu tương đối mà không có sự đặt nền chủ yếu trong tánh Không. Vì thế chính nhờ tánh Không mà thế giới chúng ta hiện hữu. Nhờ tánh Không, cõi Tịnh Độ Cực Lạc được thiết lập bởi năng lực của sự nguyện ước, sự tích tập công đức, và trí tuệ nguyên sơ của Đấng giác ngộ A Di Đà. Tôi nghĩ rằng nếu bạn mới đến với Đạo Phật thì điều này thật khó hiểu, nhưng quả thật chỉ nhờ có tánh Không mà có hình tướng.

Bây giờ ta hãy tiếp tục khảo sát những phẩm tính đặc biệt của cõi Tịnh Độ được hình thành nhờ những nguyện ước của Đức Phật A Di Đà được gọi là Cõi Cực Lạc (Dewachen). Ta được biết là có nhiều cõi Phật khác, nhưng để tới được những nơi đó ta phải hoàn toàn đạt được một địa vị cao quý. Ví dụ như để đi tới cõi Tịnh Độ của Đức Phật khác thì phải là một Bồ Tát thập địa hoặc đang tới gần những cánh cổng của sự giác ngộ toàn triệt và viên mãn, và phải tích tập vô lượng công đức. Những chúng sinh bình thường rất khó ước nguyện tới đó. Vì chúng ta mà Đức Phật A Di Đà đã lập những nguyện ước mãnh liệt. Mặc dù cõi Tịnh Độ của Ngài có vẻ rất xa thế giới chúng ta nhưng đối với những chúng sinh như chúng ta thì việc tới được cõi đó tương đối cũng dễ dàng. Đó là nhờ năng lực của những lời khẩn cầu và nguyện ước của Ngài. Như có nói ở trên, hiện có nhiều bản văn những lời nguyện, khẩn cầu và nguyện ước của Đức Phật A Di Đà. Nếu bao gồm chúng trong một câu duy nhất thì tinh túy của những lời nguyện, khẩn cầu, và nguyện ước là: “Cầu mong một Cõi Tịnh Độ được thiết lập để những chúng sinh bình thường với nghiệp bất tịnh, những chúng sinh có ác nghiệp, những người không từ bỏ ác hạnh, có thể đi tới được.” Khi bạn tới những cõi Tịnh Độ của những vị Phật khác, bạn sẽ đạt được giác ngộ nhờ địa vị cao quý bạn đã có trước khi tới đó. Còn ở cõi Cực Lạc, bạn có thể tới đó nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã giác ngộ. Điều xảy ra là bạn sẽ không trở lại vòng luân hồi sinh tử mà đúng hơn, bạn sẽ có mọi điều kiện tích cực và tốt lành để tích tập công đức và trí tuệ nguyên sơ. Ở cõi đó bạn sẽ có thể từ bỏ mọi ác hạnh và thực hành để điều phục và tu hành tâm bạn cho tới khi bạn thuần thục để có thể đạt được giác ngộ. Như thế đó là một sự giới thiệu tổng quát Cõi Cực Lạc.

Bây giờ tôi sẽ giảng về một bài nguyện ước được tái sinh trong Cõi Dewachen (Cực Lạc) do Karma Chagme Rag-Astrs Rinpoche biên soạn. Trước hết, tôi sẽ bắt đầu với một mô tả về địa hình của cõi Tịnh Độ này. Mặt đất không giống với mặt đất trong thế giới chúng ta. Nó không gồ ghề và phủ đầy đá. Nó hoàn toàn nhẵn và bằng phẳng, và được cấu tạo bởi bụi châu báu. Trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc, bạn luôn luôn có một cảm nhận của cái thấy rộng lớn. Nó rất bao la. Không có những sự thay đổi ánh sáng và bóng mát. Một ánh sáng toàn khắp rộng lớn xuất hiện từ thân vật lý của Đức Phật Vô Lượng Quang, Đức Phật A Di Đà. Toàn bộ cõi giới chìm ngập trong sự chói lọi của thân giác ngộ của Đức Phật A Di Đà. Mặt đất không khô rắn. Nó mềm và nếu bạn ngã trên đó, bạn sẽ nảy người lên. Bạn sẽ không bị vấp ngón chân. Ở Dewachen mọi sự đều mềm mại. Ở đó có nhiều cây cối, chúng là những cây châu báu như ý cho bạn bất kỳ những gì bạn cần. Những cành cây đầy chim chóc đủ loại. Tất cả chúng đều là những hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Chúng có giọng hót du dương tuyệt vời. Hơn là những tiếng hót bình thường, chúng hót những Giáo Pháp làm tâm bạn hoan hỉ và an bình. Mọi người ở đó được nghe âm thanh du dương của Pháp đều trở nên an lạc, hạnh phúc, và hài lòng. Có nhiều sông, suối và những con lạch và nước thì không phải là nước bình thường. Nó là nước hoa. Có những cái hồ mà bạn có thể nghỉ ngơi ở đó và tắm nước hoa. Mặt đất phủ đầy hoa sen rực rỡ và thơm ngát, nó nở ra và từ nhụy của mỗi hoa sen hóa hiện vô số tia sáng. Trên đầu mỗi tia sáng là một vị Phật. Tất cả chư Phật đều thuyết giảng Pháp. Nhờ nghe các Ngài giảng Pháp tâm bạn rũ sạch mọi cảm xúc tiêu cực. Trong Cõi Cực Lạc không có bệnh tật, không có sự nghèo khó, sự già nua và sự chết. Không có sự phân biệt giữa người này và người khác. Tất cả đều tuyệt đẹp. Tất cả đều đầy ắp những phẩm tính tốt lành. Không có những thiếu sót, những lỗi lầm, những ô nhiễm, không có các loại đau khổ, thậm chí từ ‘đau khổ’ cũng không được nghe thấy ở cõi Tịnh Độ Cực Lạc.

Cách thức để được sinh ra ở Dewachen là lập một niềm tin và ước nguyện mạnh mẽ đối với cõi Tịnh Độ, và khát khao được sinh ra ở đó. Khi bạn sinh ở cõi đó, bạn không sinh bằng một tiến trình bình thường. Trong thế giới của ta, hết thảy chúng ta đều tới đó trong sự khổ nhọc và làm việc trong sự buồn phiền. Ở nơi đây sự sinh ra là một tiến trình đau đớn. Ở Cõi Dewachen, bạn không sanh ra nhờ một thai tạng, mà đúng hơn bạn được sinh một cách kỳ diệu trong nhụy một hoa sen nở. Nếu bạn cầu nguyện với sự nhất tâm và niềm tin nhiệt thành mãnh liệt được sinh ra ở đó thì bạn sẽ được như ý. Nếu bạn nuôi dưỡng bất kỳ mối nghi ngờ nào thì bạn vẫn được sinh ở đó nhưng sẽ sinh trong một bông sen chưa nở. Bạn được tắm trong ánh sáng chói ngời của Đức Phật nhưng bạn không thể nhận ra mọi phẩm tính của cõi Tịnh Độ và không thể tùy ý du hành đây đó. Bạn ở trong một bông sen khép miệng cho tới khi những vết tích sau cùng của sự hoài nghi và tiêu cực bị tẩy trừ. Khi ấy bông sen sẽ nở ra. Nếu bạn không có chút nghi ngờ nào thì bạn được sinh trong một bông sen nở. Điều này gắn liền với loại nguyện ươc được tái sinh trong Cõi Tịnh Độ mà bạn đã lập nên vào lúc chết. Hãy lưu giữ trong tâm sự phân biệt hết sức quan trọng này giữa hai loại sinh ra khác nhau trong cõi Tịnh Độ. Điều tối quan trọng là phải lập nguyện ước đúng đắn được tái sinh vào lúc chết. Hãy làm điều này một cách mạnh mẽ không chút nghi ngờ. Nếu bạn cho phép sự hoài nghi đi vào tâm bạn thì bạn sẽ sinh trong một bông sen khép miệng. Nếu vào lúc chết bạn lập nguyện ước mạnh mẽ này thì khi ấy, không phải trải nghiệm bất kỳ điều gì, bạn được sinh trong nhụy một bông sen nở trước sự hiện diện của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà. Một trong những phẩm tính kỳ diệu của việc được tái sinh trong Cõi Cực Lạc là nếu bạn từng đọc những quyển sách mỏng về việc du hành tới những cõi Tịnh Độ khác thì bạn có thể đi tới đó lập tức ngay khi ước muốn điều đó. Bạn có thể di chuyển một cách thần diệu tới bất kỳ cõi Tịnh Độ nào khác chỉ bằng cách lập nguyện tới nơi đó. Từ thế giới này, bạn không thể tức thì đi tới cõi Tịnh Độ khác, nhưng từ cõi Tịnh Độ Cực Lạc thì bạn có thể. Bạn có passport, visa, và mọi loại vé cần thiết để đi tới mọi Tịnh Độ của bất kỳ Đức Phật nào, ở mọi phương và bất cứ khi nào bạn muốn.

Khi bạn sinh trong một hoa sen nở, bạn vẫn chưa viên mãn. Bạn đã tẩy trừ khỏi dòng tâm thức của bạn mọi điều tiêu cực, mặc dù bạn chưa là Phật nhưng bạn được sinh trong một hình thức có nhiều phẩm tính tích cực giống như những phẩm tính của một vị Phật. Bạn được sinh ra với một thân sắc vàng rực rỡ. Bạn có những năng lực siêu nhiên và siêu giác. Bạn được thụ hưởng năm loại năng lực siêu giác. Phẩm tính khác mà bạn có như một hài nhi là mọi vật bạn cần để cúng dường chư Phật mà hiện nay bạn nhận thức bằng đôi mắt vật lý của bạn thì ở cõi Tịnh Độ, chúng sẽ tự động hiển lộ trong đôi bàn tay bạn. Bằng cách ấy bạn có thể dễ dàng tích tập công đức và hoàn thiện nó để tích tập trí tuệ. Hơn nữa, cuối cùng thì sự tích tập công đức và trí tuệ đưa tới Phật Quả sẽ xảy ra rất nhanh chóng trong Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Trái nghịch với những cõi Tịnh Độ khác, trong cõi Dewachen (Cực Lạc) tiến trình tích tập công đức và trí tuệ rất nhanh chóng. Chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Do đó việc cầu xin được tái sinh ở cõi Dewachen tích tập công đức nhiều như thể con cúng dường bảy loại ngọc quý và những châu báu khác đầy tràn ba ngàn thế giới (được đề cập trước đây).” Nói chung, chúng ta có thể nói rằng bất kỳ chúng sinh nào nghe danh hiệu của Đức Phật A Di Đà (phù hợp với những Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà) lập nguyện tái sinh trong cõi Dewachen và dấn mình vào thực hành đó đều có thể được tái sinh trong cõi Dewachen. Những người từng tích tập sự tiêu cực của năm trọng tội thì khó đạt được điều đó. Mặc dù thế, ngay cả đối với những người tội lỗi nặng nề như thế, nếu họ thực hành mãnh liệt thì họ vẫn có thể được tái sinh trong cõi Dewachen. Tóm lại, về những giáo lý của Đức Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ Cực Lạc thì thực hành này rất phổ biến trong tất cả những quốc gia theo Phật Giáo Đại thừa. Tại sao thế? Đó là bởi tính chất của những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà. Thực hành Đức Phật A Di Đà và Cõi Tịnh Độ thích hợp với những người bình thường và ai cũng có thể thực hành. Bạn không phải là một đại nhân cao quý đã từ bỏ mọi ác hạnh. Bạn không phải là một hành giả tuyệt vời. Tùy thuộc vào năng lực những lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, bạn có thể dấn mình vào thực hành này. Đây là một thực hành Kinh thừa. Do đó, nó là Pháp môn mọi người có thể thực hành. Nó rất dân chủ và được dành cho tất cả mọi người.

Hỏi: Một khi đã được sinh trong cõi Tịnh Độ, liệu ta có những cơ hội quay trở lại thế giới này để giúp chúng sinh đạt được Giác ngộ?
Đáp: Mục đích của việc tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc là để đạt được Phật Quả. Vì thế, ý nghĩa của cõi Tịnh Độ Cực Lạc là bạn đã có được mọi điều kiện tốt lành để đạt được sự Giác ngộ toàn triệt và viên mãn. Khi bạn hoàn toàn giác ngộ thì trạng thái đó không phải là sự Giác ngộ phiến diện để an nghỉ trong Niết Bàn. Nó là sự Giác ngộ Đại thừa được đặt nền trên tánh Không, chứng ngộ rằng Niết Bàn và sinh tử không phải là điều để bám luyến. Điều then chốt của mọi thực hành Đại thừa là lòng Đại Bi. Tự thân cõi Tịnh Độ được thiết lập bằng năng lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà. Nếu bạn chứng ngộ tánh Không thì khi ấy lòng bi mẫn tự động hiển lộ. Tánh Không đó cùng với lòng bi mẫn - là những gì tạo nên Phật Quả – cũng tạo thành sự giải thoát toàn triệt và viên mãn. Khi bạn giải thoát như thế, bạn sẽ không bị hạn chế đối với cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Bạn có thể mang bất kỳ cách thế hiển lộ nào bạn muốn. Bạn có thể đi tới bất kỳ cõi Tịnh Độ nào bạn muốn. Bạn không ngừng hiển lộ trong vô vàn phương cách khác nhau vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Hỏi: Ở một mặt, việc được tái sinh ở Cõi Cực Lạc nghe có vẻ thật dễ dàng. Ở mặt khác thì vào lúc đó để có được sự an lạc thực sự ta sẽ phải củng cố bản thân, thực sự ước muốn thành tựu Bồ Đề tâm. Do đó đường như có một thách thức to lớn trong việc ước muốn giúp đỡ người khác và không chỉ quan tâm tới bản thân. Vì thế việc ấy không thật dễ dàng.
Đáp: Việc tái sinh trong Cõi Dewachen (Cực Lạc) chỉ khó khăn nếu bạn mắc phạm một trong Năm Trọng tội Không chuộc lỗi được. Nếu bạn không phạm một trong những tội đó thì rất dễ dàng, bởi tất cả những gì bạn cần làm thì tuỳ thuộc vào năng lực của việc hình thành những nguyện ước mãnh liệt được tái sinh trong Cõi Cực Lạc. Điều mà năng lực đó làm là hợp nhất bạn với sự đối trị với mọi che chướng và sự phi-đạo đức của bạn. Đó là năng lực của đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Yếu tố khác góp phần khi bạn hình thành nguyện ước để nối kết sự thực hành này và được tái sinh trong cõi Tịnh Độ. Lý do khác khiến ta rất dễ dàng được tái sinh là giây phút chết chính là mỗi khoảnh khắc. Giáo Pháp dạy rằng mọi sự ở trong trạng thái thay đổi liên tục. Mọi sự đều vô thường và hướng tới cái chết trong mọi lúc, vì thế trong mỗi khoảnh khắc, cái gì đó chết đi và cái gì đó tái sinh. Kinh nghiệm của bạn ra sao thì tùy thuộc vào việc tâm bạn được hướng tới thế nào. Tư tưởng hiện tại của bạn sẽ đưa dẫn tới kinh nghiệm theo sau của bạn. Nếu bạn thiết lập một nguyện ước liên tục từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác, thấu hiểu rằng bất kỳ khoảnh khắc nào cũng có thể là lúc chết, trong mỗi khoảnh khắc bạn đều khao khát được tái sinh trong Cõi Dewachen, thì bạn đã thiết lập sự tương tục của nguyện ước đó. Điều đó sẽ là kinh nghiệm của bạn. Nguyên nhân trong khoảnh khắc đó sẽ tạo nên kết quả trong khoảnh khắc kế tiếp. Mọi sự là sự chuyển hóa trong tâm thức.

Hỏi: Rinpoche, ngài có thể giảng thêm cho chúng con về ánh sáng trong những bông sen khép lại? Làm thế nào ánh sáng ấy chiếu sáng chúng?
Đáp: Trong Cõi Cực Lạc, mọi sự được thấm đẫm ánh sáng. Giống như mọi sự khác ở trong và khắp Cõi Cực Lạc, nó là một hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Nó là toàn bộ Đức Phật A Di Đà. Mọi sự được tri giác trong Cõi Cực Lạc là một sự trải rộng của Đức Phật A Di Đà. Ánh sáng là Ánh sáng của lòng Bi mẫn. Chính Ánh sáng của lòng Bi mẫn làm thuần thục chúng sinh.

Hỏi: (không nghe rõ)
Đáp: Sự hình thành của lời nguyện tái sinh trong Cõi Cực Lạc là một vấn đề cá nhân. Bạn không thể phát triển một nguyện ước nhân danh người nào khác. Tuy nhiên bạn có thể giúp đỡ người khác bằng cách lập lại cho họ nghe danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và cho họ biết sự hiện hữu của Đức Phật A Di Đà trong cõi Tịnh Độ. Ta được biết rằng ngay cả việc nghe danh hiệu A Di Đà cũng rất ích lợi. Một điều khác mà bạn có thể làm để giúp đỡ người khác là vào lúc họ chết bạn có thể làm những thực hành A Di Đà khác nhau. Chẳng hạn như vào lúc chết bạn có thể thực hiện Ph’owa, và đó là một thực hành chuyển di tâm thức của người chết ra khỏi thân họ. Những nghi lễ và puja khác được thực hiện vào lúc đó. Có một nghi thức được gọi là Shitje. Nó là nghi lễ được thực hiện vào lúc chết. Nhiều điều có thể được thực hiện mặc dù người ấy đã chết. Yếu tố tâm thức của họ được nhắm tới và được hướng dẫn bằng những cách khác nhau.

Hỏi: (nghe không rõ)

Đáp: Chúng ta phải nói một chút về tánh Không. Những giáo lý tánh Không tuyệt nhiên không khẳng định rằng những gì ta tri giác thì tuyệt đối không hiện hữu. Chúng ta không nói rằng các sự vật được cấu tạo bằng những nguyên tử và phân tử và có thực tại vật chất (theo nghĩa đen) không hiện hữu, và trong ý nghĩa đó, thì huyễn hóa. Chúng ta đang nói rằng chúng không có tự-tánh. Chúng không có sự hiện hữu nội tại. Chúng không có thực tại vững chắc, có thật, tương ứng với cách thức xuất hiện của chúng. Chúng có vẻ hiện hữu một cách nội tại, nhưng không phải như vậy. Đây là giáo lý của Phái Trung Đạo vĩ đại – Madhyamika. Ở đây có hai trường phái khác nhau , Phái Duy Tâm (Cittamatra) nói rằng mọi sự tự chúng là tâm. Điều duy nhất thực sự hiện hữu là tâm và mọi điều khác chỉ là một sự phóng chiếu của tâm. Giáo lý Mahamudra (Đại Ấn) nói rằng bản tánh thực sự của thực tại thì siêu vượt việc chấp nhận hoặc có hoặc không, chẳng có chẳng không, cũng có cũng không. Điều này được gọi là ‘Bốn Cực đoan’ (Tứ cú). Quan điểm Mahamudra siêu vượt chúng. Đứng ở bình diện chân lý tương đối của ta, trong tiếng Tây Tạng nói là ‘Kun-zop Dempa’ có nghĩa là một câu mê hoặc. ‘Dempa’ có nghĩa là chân lý. ‘Kun-Zop’ nghĩa là hoàn toàn sai lầm. Vì thế ‘chân lý hoàn toàn sai lầm’, chân lý tương đối là kết quả của tri giác sai lầm của ta. Chúng ta tri giác các sự vật có sự hiện hữu nội tại trong khi thực ra chúng không có. Tâm thức chúng ta bám chấp vào điều ta tri giác là vững chắc và thực có. Bởi sự bám chấp trong tâm thức này, ta vật chất hóa điều mà trong thực tế thì trống không. Đó là một sai lầm. Mọi hiện tượng là kinh nghiệm của ta. Chúng được kinh nghiệm bởi và trong tâm ta. Nếu khác đi thì không thể có kinh nghiệm. Mọi sự xuất hiện bên ngoài là một phóng chiếu của tâm trong ý nghĩa rằng nó được kinh nghiệm bởi tâm. Nó không có sự hiện hữu nội tại vững chắc từ khía cạnh riêng của nó. Đó là một sự sai lầm trong tri giác.  

Hỏi: Có cách nào khiến ta có thể ở trong cõi Tịnh Độ, ngoại trừ vào lúc chấm dứt sự sống theo nghĩa đen. Mặt khác, đây có phải là điều có thể đạt tới trong đời sống hiện tại? Có thể đi tới cõi Tịnh Độ trong đời này?

 Đáp: Có, khi hơi thở sau cùng đã được thở ra, trước khi hơi thở kế tiếp được thở vào. Vào lúc đó, có một cái chết và một sự tái sinh. Ở đó bạn có thể kinh nghiệm cõi Tịnh Độ trong khoảng thời gian giữa những hơi thở.  

Hỏi: Rinpoche, ngài nói rằng ta có thể kinh nghiệm cõi Tịnh Độ trong khoảng giữa đó, vậy trong trường hợp đó, cái gì là cõi Tịnh Độ?

Đáp: Cái gì thực sự là cõi Tịnh Độ? Cõi Tịnh Độ là giác tánh nguyên sơ không ô nhiễm của riêng ta. Nếu từ khoảnh khắc này cho tới khoảnh khắc khác, bạn hồi quang phản chiếu và vẫn duy trì được bản tánh giác ngộ nguyên sơ của bạn thì đó là cõi Tịnh Độ. Mọi sự đến từ bổn tâm bạn. Hãy thấu hiểu điều đó, hãy an trụ ở đó: đó là cõi Tịnh Độ.

Hỏi: Nếu sự duyên sinh xuất hiện trong tánh Không thì làm thế nào nó có thể hiện hữu nếu không có sự tạo tác trong tánh Không?
Đáp: Tánh Không và sự duyên sinh thì bất nhị. Chúng là một. Ngay cả khi nói bất nhị là đã sai lạc rồi, bởi điều đó hàm ý rằng có thể có một sự nhị nguyên được vượt qua. Từ vô thủy, chúng luôn luôn là một. Không có sự khác biệt giữa chúng. Nó không giống như có hai phần. Khi bạn nhìn tánh Không vàsự duyên sinh một cách nhị nguyên thì đó là sự loại suy của samsara, vòng luân hồi sinh tử. Hãy vượt qua sự nhị nguyên và bạn đồng thời nhìn thấy nhân và quả. Khi đó mọi sự đồng xuất hiện. Đó là tánh Không và sự duyên sinh viên mãn, bất nhị. Trong bản văn, nhiều ví dụ đã được sử dụng để minh họa chân lý này của sự hợp nhất tánh Không và sự duyên sinh. Tuy nhiên chúng ta hãy lấy ví dụ chiếc tách này. Như một sự hiển lộ hay xuất hiện tương đối được cơ cấu tri giác của ta kinh nghiệm, chiếc tách là một cái gì phức hợp. Nó được cấu tạo bởi những phần tử nhỏ bé. Phải vậy không? Nó được tạo bởi những nguyên tử và phân tử trở thành những chất thể đặc biệt là đất, nước, gió, và lửa. Tất cả những sự vật này được kết hợp trong một cách thế như để tạo nên cái ta gọi là chiếc tách. Sau đó nó được trang trí, vẽ lên và được khắc chạm. Đó là cái gì được tạo nên mà tiếng Tây Tạng chúng tôi nói là ‘Dutshe’: phức hợp, cái gì đó được tạo nên. Những nhân và duyên được tập họp lại theo một cách để tạo nên một sự hiển lộ tương đối mà ta có thể sử dụng và tác động lẫn nhau và nhận thức như điều ta gọi là một chiếc tách. Tuy nhiên, nếu từ khía cạnh riêng của nó và không phụ thuộc vào những nhân và duyên thì không có sự vật gì gọi là chiếc ‘tách’. Không có điều gì xuất hiện như chiếc ‘tách’ tự nó và thuộc về nó mà tách biệt với toàn thể tiến trình những nhân và duyên cùng tụ hội. Nó không có bản chất. Bản chất của nó thì trống không. Trong Kinh ‘Prajna Paramita Hydraya’ (Tâm Kinh): “Sắc tức là Không, Không tức là sắc, sắc không khác Không, Không không khác sắc.” Mọi hiện tượng có cùng bản tánh chính xác đó. Bất kỳ điều gì được kinh nghiệm trong luân hồi sinh tử hay sự siêu vượt của nó đều có đồng một bản tánh chính xác đó. Bản chất của nó trống không và nó được kinh nghiệm như một kết quả của sự duyên sinh. Tri giác những sự vật như những thị kiến xen kẽ của tánh Không và sự duyên sinh thì vẫn là một chúng sinh bình thường. Vượt qua thị kiến nhị nguyên, tri giác các sự vật đồng thời là tánh Không và sự duyên sinh, thì đó là Phật. Vị Thánh vĩ đại Nagarjuna (Long Thọ) nói: “Luân hồi sinh tử và sự siêu vượt của nó (sinh tử và Niết Bàn) không phải là hai. Việc thấu hiểu bản tánh của luân hồi sinh tử trong bản chất của nó là sự siêu vượt.”

H.H. Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche

Nguyên tác : “Amitabha Buddha and the Pureland of Dewachen The Oral Commentaries of His Holiness The Drikung Kyabgon, Chetsang Rinpoche"

Tiểu sử Đức Jigten Sumgon

TIỂU SỬ ĐỨC JIGTEN SUMGON – TỔ SÁNG LẬP DÒNG TRUYỀN THỪA DRIKUNG KAGYU

Ngài Phagmodrupa vinh quang có năm trăm đệ tử sở hữu chiếc dù trắng; nhưng như ngài đã từng lập đi lập lại rằng người kế thừa ngài sẽ là một Upasaka (Cận sự nam, Cư sĩ) đã đạt được Thập địa của một Bồ Tát. Đây là tiểu sử của vị kế thừa đó - Đức Drikungpa vô song Vĩ đại Jigten Sumgon. Trong vô số kiếp trước, Jigten Sumgon ra đời là Chakravartin (Chuyển Luân Vương) Tsib-Kyi Mu-Khyu. Là thân phụ của một ngàn công chúa nhưng ngài đã từ bỏ vương quốc, giác ngộ và được gọi là Đức Như Lai Lurik Dronma. Mặc dù ngài đã đạt được Giác ngộ, sau này ngài thị hiện là Bồ Tát Kunsar Wangkur Gyalpo. Vào thời của Đức Phật Kashyapa (Ca Diếp), ngài thị hiện là người thợ gốm Gakyong. Vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài thị hiện là Licchavi bất nhiễm, bậc bất khả phân với chính Đức Phật. Sau này ngài sinh ra là Đạo sư Nagarjuna (Long Thọ). Qua những lần nhập thế này, ngài đã làm lợi lạc cho Phật pháp và vô số chúng sinh.
Như thế, để tinh túy của Phật pháp có thể phát triển, ngài được sinh ra trong một gia đình tôn quý thuộc bộ tộc Kyura ở Tây Tạng. Thân phụ của ngài là Naljorpa Dorje, một đại hành giả Yamantaka, và thân mẫu là Rakyisa Tsunma. Nhiều dấu hiệu kỳ diệu đã xuất hiện khi ngài ra đời. Từ thân phụ, ngài học giáo lý Yamantaka, đọc và viết thông thạo khi ngài lên bốn tuổi. Từ người chú là Tu viện trưởng Ra-Dreng Gom-Chen vĩ đại, Đức Khorwa Lung-Khyer và những vị Thầy khác, ngài học nhiều Kinh điển và tantra (Mật điển). Vào lúc này ngài được gọi là Tsunpa Kyab, và sau này là Dorje Pal. Việc Jigten Sumgon xuất hiện đã được tiên tri trong nhiều Kinh điển và Mật điển. Chẳng hạn như trong Kinh Yeshe Yongsu Gyepa có nói:
“Nơi rặng núi tuyết ở phương bắc sẽ xuất hiện một bậc tên là Ratna Shri. Ngài sẽ làm lợi lạc cho Giáo Pháp của ta và lừng danh khắp ba cõi.”
Trong Kinh Gongdu có nói: “Ở một nơi tên là Dri, Cội nguồn của Giáo Pháp, Ratna Shri sẽ xuất hiện vào Năm Hợi. Ngài sẽ tập hợp một trăm ngàn Tỳ kheo. Sau đó, ngài sẽ đi tới Cõi Phật Ngonga. Ngài sẽ được gọi là Đấng Thiện Thệ Trắng Bất Nhiễm và sẽ có một đoàn tùy tùng đông đảo.”
Trong Gyalpo Kaithang có nói: “Từ Tu viện Samye vinh quang về hướng đông bắc, tại mội nơi tên là Drikung, cội nguồn của Giáo Pháp, Đức Pháp Vương Trisong Desen sẽ ra đời trong năm Hợi là Đấng Thiện Thệ Ratna Shri. Ngài sẽ tập hợp một trăm ngàn Bồ Tát. Ngài sẽ đi tới Cõi Phật Ngonga và được gọi là Đấng Thiện Thệ Trắng Bất nhiễm. Trong Cõi Phật đó, ngài sẽ trở thành Đức Vua Đại Viên mãn.” Như thế ngài đã được tiên tri thật rõ ràng.
Khi Jigten Sumgon còn nhỏ tuổi, thân phụ ngài qua đời; gia đình ngài trở nên sa sút và ngài phải phụ giúp gia đình bằng việc tụng đọc Kinh điển. Có lần ngài được tặng một con dê. Khi ngài đang dẫn con dê đi thì nó cố gắng thoát ra. Ngài kéo nó lại nhưng con dê kéo ngài đi một quãng ngắn và dấu chân của ngài vẫn còn in trên đá cho tới ngày nay. Khi ngài lên tám, ngài có một linh kiến về Yamantaka và trong một dịp khác, trong khi thiền định tại Tsib Lungmoche, ngài nhận ra mọi pháp của sinh tử và Niết bàn như sự xuất hiện không có bản chất, như một phản chiếu trong một tấm gương. Ngay cả khi ngài ở tỉnh Kham ngài đã lừng danh là một yogin (hành giả). Jigten Sumgon đã chứng ngộ các thực hành Quang minh và Đại Ấn (quang minh và Không tánh), và trong giấc ngủ ngài đã viếng thăm Cõi Phật Arakta Padmai. Từ Đức Ra-dreng Gom-Chen vĩ đại ngài học mọi giáo lý của truyền thống Khadampa. Từ Lạt ma Lhopa Dorje Nyingpo, ngài nhận giáo lý Guhyasamaja và những giáo lý khác. Có một lần khi tỉnh Kham bị hạn hán, ngài mang thực phẩm đã được cúng dường cho ngài phân phát cho những người đang bị đói, nhờ đó cứu được nhiều sinh mạng.
Nhiều nhân vật quan trọng bắt đầu đến với Jigten Sumgon để giảng dạy Giáo Pháp. Có lần, Học giả Gonda ở miền trung Tây Tạng nói với ngài về Phagmodrupa. Chỉ nghe đến danh hiệu của Phagmodrupa là Jigten Sumgon đã thấy rung động giống như lá cây kengshu bị gió lay động. Trải qua rất nhiều khó khăn, ngài đi từ Kham tới miền Trung Tây Tạng. Một cầu vồng trải rộng suốt hành trình của ngài và vị bảo hộ Dorje Lekpa trong hình tướng của một con thỏ và một đứa trẻ đã chăm lo những nhu cầu của ngài. Khi đi tới một con đường nhiều đá và nguy hiểm ở Kyere, ngài tìm thấy một vật tự nhiên có hình dạng thần chú Sáu-Âm tự biến hóa thành một linh kiến về khuôn mặt của Phagmodrupa.
Jigten Sumgon đi suốt cả ngày lẫn đêm. Trên đường đi, ngài gặp một người đàn bà và một người đàn ông, họ nói: “Chúng tôi từ Phagmodru tới.” Ngài lễ lạy khi nhìn họ như những hiện thân của Đạo sư. Khi đến Tu viện Phagdru lúc nửa đêm, ngài được một Khampa (người tỉnh Kham) mời vào trong. Khi ngài gặp Phagmodrupa, vị Đạo sư nói: “Bây giờ tất cả các đệ tử của ta đã có mặt.” Sau đó Jigten Sumgon cúng dường vị Thầy của ngài một súc lụa, một súc vải và con ngựa của mình, nhưng ngài Phagmodrupa từ chối không nhận con ngựa, ngài giải thích rằng ngài không nhận những món cúng dường là thú vật. Jigten Sumgon cũng dâng cúng một túi thực phẩm, và Phagmodrupa sử dụng nó để cử hành một tiệc cúng dường cho Chakrasamvara. Sau đó Phagmodrupa ban cho Jigten Sumgon Hai Nhánh Bồ Tát Giới và danh hiệu Bồ Tát Ratna Shri. Như một chiếc bình trút hết sang chiếc bình khác, Phagmodrupa ban cho Jigten Sumgon tất cả những giáo lý Kinh điển và Mật điển.
Vào lúc này có một người đàn bà là hiện thân của Vajrayogini (Kim Cương Phật Mẫu). Phagmodrupa gợi ý với Taklung Thangpa là vị Thầy này nên sống với bà; nhưng Taklung Thangpa đã từ chối vì không muốn từ bỏ các giới nguyện tu sĩ, và vì thế hiện thân đó đã mất. Sau đó một đệ tử khác là Lingje Repa đã tạo một cái chén làm bằng chiếc sọ của người đàn bà. Điều này khiến cho Lingje Repa đến nơi tập họp trễ, và thực phẩm cúng dường đã được phân phối trong thời gian ngài đến đó. Cầm chén sọ người, Lingje Lingpa đi vòng quanh các tu sĩ, nhận thực phẩm cúng dường từ mỗi người. Các tu sĩ chỉ cho những phần thực phẩm nhỏ nhưng Phagmodrupa thì cho một số lượng lớn, làm đầy chén sọ người, và thậm chí Jigten Sumgon còn cho thêm nữa, làm thành một lượng thực phẩm bao phủ miệng chén như một cái dù. Sau đó Lingje Repa đi qua hội chúng một lần nữa, và vừa đi ngài vừa sáng tác và hát một bài tán thán gồm hai mươi câu kệ một cách tự nhiên. Cuối cùng ngài dừng lại trước mặt Jigten Sumgon, cúng dường thực phẩm và bài ca cho Jigten Sumgon. Từ lúc đó trở đi Jigten Sumgon được thừa nhận là Đệ tử Chính yếu của Phagmodrupa.
Một hôm Phagmodrupa muốn biết những dấu hiệu đặc biệt nào xuất hiện liên quan tới ba đệ tử thân thiết nhất của ngài. Ngài ban cho mỗi người trong ba đệ tử này 0,3m vải đỏ để làm một chiếc mũ thiền định. Taklung Thangpa chỉ sử dụng số vải được cho. Lingje Repa thêm một miếng vải bông ở phía trước mũ, và Jigten Sumgon dùng thêm 0,3m vải nữa, khiến cho chiếc mũ của ngài lớn hơn. Điều này được coi là hết sức tốt lành. Trong một dịp khác, Phagmodrupa gọi Jigten Sumgon và Taklung Thangpa và nói: “Ta nghĩ là hôm nay Sông Tsangpo sẽ tràn ngập. Hãy đến xem.” Hai đệ tử nhìn thấy dòng sông trôi chảy theo cách bình thường, họ quay trở về. Nhưng Jigten Sumgon nghĩ rằng câu hỏi của vị Đạo sư có mục đích nào đó nên nói với Thầy: “Dòng sông đã đầy tràn, giờ đây miền Trung Tây Tạng và tỉnh Kham bị ngập chìm dưới nước.”
Điều này tiên đoán sự phát triển các hoạt động của Jigten Sumgon, và ngài nổi danh là một Đạo sư của Lý Duyên Khởi. Vào lúc này, phù hợp với những tiên tri của Phagmodrupa, Jigten Sumgon vẫn chỉ giữ các giới nguyện của một Cư sĩ. Một hôm, Phagmodrupa bảo ngài ở lại sau khi hội chúng giải tán và chỉ dẫn cho ngài tư thế bảy điểm của Vairochana. Khi chạm vào đầu, cổ họng, và trái tim ngài, Phagmodrupa nói “OM, AH, HUNG” ba lần và nói với ngài: “Ông sẽ là một đại thiền giả, và ta hoan hỉ về điều này.”
Jigten Sumgon phục vụ Thầy Phagmodrupa hai năm rưỡi. Trong thời gian đó, Jigten Sumgon nhận lãnh tất cả các giáo lý của vị Thầy và Phagmodrupa nói rằng Jigten Sumgon sẽ là vị kế thừa của ngài. Vào lúc Đức Phagmodrupa nhập Niết bàn, một chày kim cương vàng năm chấu hóa hiện từ trung tâm tim của ngài và tan hòa vào trung tâm tim của Jigten Sumgon. Tất cả những đệ tử khác đều chứng kiến điều này. Jigten Sumgon hiến cúng mọi vật sở hữu của ngài để làm lợi lạc cho tu viện và giúp xây dựng một bảo tháp kỷ niệm rộng lớn cho Đạo sư của ngài.
Sau sự kiện này, ngài gặp nhiều vị Thầy khác. Ngài nhận Bốn Pháp Du già của Mahamudra (Đại Ấn) từ Thầy Dakpo Gomtsul. Sau đó một nữ tín chủ hứa cung cấp thực phẩm cho ngài trong ba năm và Jigten Sumgon, tha thiết được thực hành những giáo lý đã nhận lãnh, đã lui về động Echung để thiền định. Trong ba năm này, ngài có được một sự hiểu biết thô sơ về những phương diện nội, ngoại và bí mật của lý duyên khởi. Sau đó ngài nhận ra rằng nguyên nhân của việc lang thang trong sinh tử là bởi prana (sinh lực) gặp khó khăn khi đi vào avadhuti (kinh mạch trung ương), và vì thế, khi thực hành prana, ngài được diện kiến chư Phật và Bồ Tát, và có những linh kiến về việc tâm thức của ngài tịnh hóa sáu cõi. Sau đó ngài thực hiện một chuyến hành hương đến Phagmodru và những thánh địa khác.
Khi trở về Động Echung, ngài nhất tâm thiền định. Giống như cách ma quân xuất hiện như những chướng ngại cho Đức Phật vào thời điểm Ngài thành tựu giác ngộ và Tsering Chenga cùng những người khác nỗ lực gây trở ngại cho Milarepa; nghiệp quả sau cùng của Jigten Sumgon đã xuất hiện và ngài bị mắc bệnh cùi. Vô cùng tuyệt vọng, ngài nghĩ: “Giờ đây ta nên chết ở chốn cô tịch này và chuyển di tâm thức của ta.” Ngài lễ lạy một pho tượng của Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) mà Thầy Phagmodrupa đã gia hộ nhiều lần. Vào cái lạy đầu tiên, ngài nghĩ: “Trong số chúng sinh, ta là kẻ tệ hại nhất.” Khi lễ lạy lần thứ hai, ngài nghĩ: “Ta đã có mọi giáo lý của Đạo sư, kể cả giáo huấn bardo và pháp chuyển di tâm thức, và cần phải vô úy trước cái chết.” Sau đó, khi nhớ lại rằng những chúng sinh khác không có những giáo lý này, một lòng bi mẫn mãnh liệt phát khởi trong ngài. Trong tâm thái đó, ngài ngồi xuống và phát triển những tư tưởng bi mẫn đối với chúng sinh. Bệnh tật đã rời khỏi ngài, như những đám mây bị thổi dạt khỏi mặt trời và ngay lúc đó ngài đạt được Phật quả. Ngài đã thực hành tại Động Echung trong bảy năm.
Không lâu sau sự kiện này, ngài có một linh kiến về Bảy Đức Tara. Vì ngài hoàn toàn thấu suốt về lý duyên khởi, và đã chứng ngộ sự hợp nhất của giới luật (shila) và Đại Ấn, ngài đã thọ giới Tỳ kheo. Từ lúc này Jigten Sumgon không ăn thịt. Bởi Đức Phagmodrupa đã chỉ định ngài là vị kế thừa nên các tu sĩ cao cấp của Tu viện của Đạo sư của ngài đã mời ngài trở về. Sau khi nhận chức vụ Tu viện trưởng của tu viện, Jigten Sumgon yêu cầu mọi người triệt để tuân thủ giới luật tu sĩ. Một hôm, một vài tu sĩ nói: “Chúng ta là ‘cháu’ của Milarepa và hẳn là ta được phép uống bia chang.” Khi nói điều này, họ uống bia. Khi Jigten Sumgon khuyên bảo họ, họ trả lời: “Ngài nên giữ giới không làm hại người khác.” Sau đó Phagmodrupa xuất hiện với Jigten Sumgon trong một linh kiến và nói với ngài “Hãy rời bỏ chiếc ghế lụa cũ kỹ này và đi về phương bắc. Ở đó con sẽ làm lợi lạc nhiều chúng sinh.”
Jigten Sumgon đi về phương bắc và trên đường đi, tại Nyenchen Thanglha, ngài được vị bảo hộ của địa điểm này đón chào. Tại Namra, một vua tinh linh và đoàn tùy tùng của ông ta thọ giới Cư sĩ từ ngài, và Jigten Sumgon để lại cho họ một trong những dấu chân của ngài như đối tượng của lòng sùng mộ. Ngài ban giáo huấn thiền định cho những con chim kên kên bay trên đầu, và chúng thực hành theo những giáo lý đó. Có lần khi Jigten Sumgon thốt ra một lời, một con ngựa đang chạy trốn đã quay trở lại với ngài. Ngài cũng gởi một hiện thân của chính ngài để làm an dịu một cuộc chiến tranh ở Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) do những thành viên của bộ lạc Duruka phát khởi.
Trong một dịp khác, tại Dam, ngài ban giáo lý và nhận nhiều vật cúng dường. Lúc cuối ngày dường như rất dài, ngài nói với đám đông: “Hãy lập tức về nhà của quý vị,” và thình lình trời sắp rạng đông. Để chấm dứt Pháp thoại của ngài, ngài đã làm mặt trời ngừng lại. Khi ngài ở Núi Namra, Vua trời Phạm Thiên đã thỉnh cầu ngài ban những giáo lý bao la và sâu xa. Trên đường tới Drikung, trời Bar-lha vĩ đại tiếp đón ngài. Những trẻ em ở Jenthang xây một Pháp tòa cho ngài, và an tọa trên Pháp tòa, ngài giảng dạy cho dân chúng của thành phố đó. Thậm chí nước, là vật không có tâm thức, đã nghe giáo lý của ngài và tạo thành âm thanh Nagarjuna.
Sau đó ngài tới Drikung Thil. Năm ngài ba mươi bảy tuổi, ngài thiết lập Drikung Jangchubling, tu viện lớn nhất và là trụ xứ chính của Drikungpa Kagyupa ở Tây Tạng. Ngài đã bổ nhiệm Pon Gompa Dorje Senge làm người giám sát việc xây cất tu viện. Nhiều tu sĩ tụ hội ở đó và vui hưởng trận mưa Pháp sâu xa.
Ở Tây Tạng, có chín đại Hộ Pháp. Trong số đó, Barlha, Sogra, Chuphen Luwang, Terdrom Menmo, và Namgyal Karpo đã lễ lạy dưới chân Jigten Sumgon, thọ giới nguyện Cư sĩ, và thệ nguyện bảo vệ giáo lý và hành giả của Dòng Drikung Kagyu.
Có một lúc ở Drikung rất khan hiếm nước, và để làm an dịu tình hình, Jigten Sumgon đã đưa cho thị giả Rinchen Drak của ngài 108 miếng lam ngọc và chỉ thị chôn dấu chúng ở những địa điểm khác nhau. Rinchen Drak đã chôn dấu tất cả lam ngọc trừ một miếng ông giữ cho riêng mình và dấu trong áo. Những miếng lam ngọc được chôn dấu đã trở thành các suối nước và miếng ngọc mà Rinchen Drak cất giữ biến thành một con ếch. Rinchen Drak giật mình, ông ném con ếch đi, và khi rơi xuống nó bị mù một con mắt. Nơi con ếch rơi xuống đất xuất hiện một con suối được gọi là Chumik Shara. Khi Drikung Thil bị hủy hoại vào giữa thế kỷ mười bốn, hầu hết các dòng suối này bị lửa làm khô cạn, nhưng một vài con suối vẫn còn tồn tại.
Mỗi tháng vào ngày trăng thượng tuần và ngày rằm, Jigten Sumgon và các tu sĩ của ngài cử hành một buổi lễ tịnh hóa được gọi là Sojong. Có lần khi vài tu sĩ đến muộn và Jigten Sumgon quyết định đình chỉ thực hành, nhưng Trời Phạm Thiên khẩn cầu ngài duy trì truyền thống này, và ngài đã đồng ý.
Jigten Sumgon tiếp tục coi sóc Densa Thil, tu viện cũ của ngài. Ngài cũng viếng thăm Dakla Gampo, tu viện của Gampopa. Từ pho tượng của Gampopa trong tu viện, những tia sáng tuôn ra, hợp nhất bất khả phân với Jigten Sumgon và ngài đã đạt được những thành tựu thông thường và phi thường của Kho tàng Không gian. Có lần các dakini ở Tsari đến mang theo Dakpar Shri, một tập hội gồm 2.800 Bổn Tôn trên một cái lưới bằng lông ngựa và dâng cúng ngài. Để tưởng nhớ Đức Phagmodrupa, ngài đã xây một bảo tháp kiết tường nhiều cửa và an vị 2.800 Bổn Tôn trong đó, với một chiếc cửa cho mỗi dakini.
Sự kiện này đã bắt đầu truyền thống xây dựng các bảo tháp theo cách thức này. Trong một linh kến, ngài gặp Đức A Nan và thảo luận về Giáo Pháp. Có một lần Lama Shang nói: “Năm nay các dakini ở Oddiyana sẽ tới mời ta và Drikungpa vĩ đại kết hợp với họ. Ngài là một Đạo sư của Lý Duyên khởi và không phải đi tới đó nhưng ta thì nên đi.” Không lâu sau sự kiện này, các dakini tới gặp Lama Shang và vị Thầy này viên tịch; nhưng khi họ tới mời Jigten Sumgon thì ngài từ chối, và các dakini thay đổi lời thỉnh mời của họ thành một khẩn cầu Đạo sư trường thọ. Sau đó tất cả các daka và dakini cúng dường ngài và hứa sẽ hướng dẫn các đệ tử của ngài.
Jigten Sumgon có nhiều đệ tử quan trọng, trong đó có hai vị Chenga, Đại Tu viện trưởng Gurawa, Nyo Gyalwa Lhanangpa , Gar Choding, Palchen Choye, Drubtob Nyaske, hai vị Tsang-tsang, và những người khác. Đây là những thủ lãnh của các triết gia. Các vị hộ trì Luật tạng là Thakma Dulzin, Dakpo Duldzin và những vị khác. Các Geshe Kadampa là Kyo Dorje Nyingpo và những vị khác. Các dịch giả là Nup, Phakpa v.v.. Các vị lãnh đạo các tantrika (hành giả Mật thừa) là Tre, Ngok, và v.v.. Thủ lãnh của các hành giả là Dudsi, Belpo, và v.v.. Mỗi khi Jigten Sumgon giảng dạy, các cầu vồng xuất hiện và chư thiên rải hoa xuống từ không trung. Machen Pomra và các vị Bảo hộ khác lắng nghe ngài giảng dạy, và các vị vua Tây Tạng, Ấn Độ, và Trung quốc hết sức sùng mộ ngài. Vào lúc này Jigten Sumgon có 55.525 môn đệ. Để nuôi dưỡng những đệ tử đông đảo như biển cả này, Matro, Vua loài Rồng và suối nguồn của mọi tài bảo của cõi Diêm phù đề, đã trở thành vị bảo trợ của tu viện.
Gần Drikung Thil có một tảng đá tên là “Vai-Sư tử”, Jigten Sumgon đã nhìn nó như mạn đà la Chakrasamvara. Ngài thiết lập một tu viện ở đó và để truyền bá giáo lý làm lợi lạc tất cả chúng sinh, ngài xây dựng một Bảo Tháp Kiết tường Nhiều Cửa khác và sử dụng một phương pháp đặc biệt. Vào lúc này ngài cũng sửa chữa Tu viện Samye.
Năm Bổn Tôn Chakrasamvara là thực hành Bổn Tôn chính yếu của Jigten Sumgon và đôi khi ngài đã hiển lộ trong thân tướng này để đào tạo các đệ tử có tâm thức phức tạp. Khi một cuộc chiến tranh nổ ra ở Minyak tại miền đông Tây Tạng, ngài đã bảo vệ người dân sống ở đó bằng năng lực huyền diệu của ngài. Con số đệ tử của ngài lên đến 70.000 người. Trong các đệ tử này, nhiều người trong số những người thông tuệ nhất đã đạt được giác ngộ trong một đời, trong khi những người ít thông tuệ hơn đạt được những quả vị (địa) khác nhau, và những người khác đều đã chứng ngộ, ít nhất là bản tánh của bổn tâm.
Trong một tiên tri về Jigten Sumgon có nói: “Một trăm ngàn Bậc vĩ đại hóa thân (Tulku) sẽ tụ hội.” Ở đây. “Tulku” có nghĩa là các ngài là tu sĩ và giữ giới hạnh hoàn hảo, và “Bậc vĩ đại” có nghĩa là tất cả các ngài là những Bồ Tát. Trong những tiểu truyện khác có nói rằng Jigten Sumgon đã viếng thăm tất cả các Cõi Phật trong chốc lát, nhìn thấy chư Phật như Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Bất Động, và nghe giáo lý của các ngài. Chính Jigten Sumgon nói rằng thậm chí những người có cơ hội tới Layel, ở Drikung, sẽ không bị sinh trong những cõi thấp, và những ai khẩn cầu ngài – dù ở gần hay từ xa – sẽ được gia hộ, và việc thiền định của người ấy sẽ phát triển kiên cố hơn nữa. Ngài cũng nói rằng tất cả chúng sinh sống trong núi non ở Drikung, ngay cả những con kiến, sẽ không bị sinh trong những cõi thấp một lần nữa. Từ cốt tủy của những giáo huấn Kinh điển và Mật điển, Jigten Sumgon ban giáo lý do đệ tử của ngài là Chenga Sherab Jungne (Chenga Drikung Lingpa) biên soạn thành một bản văn tên là “Gongchig”, gồm 150 chủ đề và 40 phụ lục.
Xưa kia một long vương tên là Meltro Zichen tới Drikung để cầu Pháp. Jigten Sumgon gởi một thông điệp yêu cầu các đệ tử của ngài ở yên trong ẩn thất để những người có các năng lực huyền diệu đó không làm hại long vương và những người không có năng lực như thế không bị tổn hại. Mọi người đều nhận được thông điệp ngoại trừ Đại Thành tựu giả Gar Dampa, khi đó đang thiền định ở đáy một hang động dài. Khi long vương tới nơi, ông ta tạo ra một âm thanh như sấm rền khiến mọi người đều nghe thấy kể cả Gar Dampa. Gar Dampa ra ngoài hang để xem điều gì xảy ra và thấy một con rắn khủng khiếp màu xanh dương đậm, thân nó dài tới mức bao quanh tu viện ba vòng và cái đầu của nó ló ra trong cửa sổ của cung điện. Không xem xét tình hình, ông nghĩ là long vương đến để hãm hại Đạo sư của ông và vì thế ông tự hiển lộ như một garuga (kim xí điểu) khổng lồ và đuổi long vương đi. Tại Rolpa Trang có một dấu vết nhẵn thín và rõ ràng do garuda để lại khi nó đáp xuống một tảng đá. Gần sông Kyung-Ngar Gel vẫn còn những dấu vết của chim garuda và long vương.
Một A La Hán người Tích Lan, là một môn đồ của Đức Phật, nghe nói rằng Đại Thành tựu giả Shakya Shri Bhadra đang đi tới Tây Tạng, đã đưa cho anh của Đại Thành tựu giả một hoa sen trắng và nhờ ông này trao nó cho Đại Thành tựu giả, sau đó Đại Thành tựu giả sẽ trao cho Nagarjuna (Long Thọ) ở Tây Tạng. Khi Shakya Shri Bhadra đến Tây Tạng, ngài truyền giới tu sĩ cho nhiều người nhưng không biết phải tìm Nagarjuna ở đâu. Khi truyền giới, ngài phân phát các bộ Pháp phục và có lần một đệ tử bình thường của Jigten Sumgon đến gần ngài để thọ giới và sau đó hỏi xin một bộ nhưng được cho biết là Pháp phục đã hết. Ông ta tha thiết nài nỉ. Một thị giả của Shakya Shri Bhadra đẩy ông ra ngoài; ông ngã xuống và chảy máu mũi. Trước khi việc này xảy ra, mỗi sáng khi tụng Bài Nguyện Bảy Chi, Shakya Shri Bhadra đều nhìn thấy Đức Tara, nhưng trong sáu ngày sau việc rắc rối này thì Đức Tara không tự hiển lộ nữa. Sau đó vào ngày thứ bảy Đức Tara xuất hiện, quay lưng về phía ngài. Shakya Shri Bhadra hỏi Đức Tara: “Con đã làm điều gì sai lầm?” Đức Tara trả lời: “Thị giả của ông đánh một đệ tử của Nagarjuna và làm người ấy chảy máu mũi.” Khi hỏi là ngài có thể làm gì để tịnh hóa hành động xấu này, Đức Tara bảo ngài: “Hãy may càng nhiều càng tốt các Pháp phục khi ông có thời gian, và tặng chúng cho các vị Tỳ kheo không có Pháp phục.”
Sau đó Shakya Shri Bhadra tìm kiếm vị tu sĩ đã bỏ đi. Khi ngài tìm thấy người này và biết tên vị Thầy của ông ta, ngài nhận ra rằng Jigten Sumgon là hóa thân của Nagarjuna. Ngài phái một thị giả tới dâng hoa sen trắng cho Jigten Sumgon. Để đáp lại, Jigten Sumgon gởi nhiều món cúng dường của riêng ngài và mời Shakya Shri Bhadra viếng thăm Drikung, nhưng vị Đại Thành tựu giả này không thể đi được, dù Jigten Sumgon đã gởi nhiều bài kệ tán thán. Mặc dù Nagarjuna đã có chủ ý khi tái sinh là Jigten Sumgon để giải trừ những tà kiến và đang giảng dạy ở Tây Tạng, nhưng Học giả Shakya Shri thấy là không cần phải tới thăm ngài.
Vào lúc này nhiều Học giả cấp thấp hơn đang viếng thăm Tây Tạng. Một người trong số đó tên là Bi Bhuti Chandra nói: “Hãy để chúng tôi nói chuyện với những Kadampa; các môn đồ của Mahamudra nói láo.” Học giả Shakya Shri nói: “Đừng nói thế,” và thuật lại câu chuyện trên. Ngài nói tiếp: “Bởi Jigten Sumgon là một bậc Thầy vĩ đại, bây giờ các ông nên xin lỗi vì đã nói những điều này.” Sau đó Bi Bhuti Chandra đi tới Drikung, hết sức xin lỗi, và xây dựng một hình tượng của Chakrasamvara tại Núi Sinpori.
Một hôm có một đại học giả tên là Dru Kyamo từ Sakya đến Drikung để tranh luận với Jigten Sumgon. Khi ông ta nhìn thấy mặt của Đạo sư, ông thấy ngài chính là Đức Phật và hai đệ tử chính yếu của ngài là Chenga Sherab Jungne và Chenga Drakpa Jungne thì như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Sau sự kiện này ông ta không thể tranh luận với Jigten Sumgon. Ông phát triển lòng sùng mộ vô cùng mãnh liệt và trở thành một trong những đệ tử chính yếu của Jigten Sumgon. Sau này ông được gọi là Ngorje Repa và đã soạn một bản văn tên là "Thegchen Tenpai Nyingpo" là một luận giảng về giáo lý của Jigten Sumgon. Số đệ tử của Jigten Sumgon tiếp tục gia tăng và trong một khóa nhập thất vào mùa mưa, 100.000 “thẻ giới đức” đã được phân phát để biết được số tu sĩ tham dự. Không lâu sau sự kiện này, 2.700 tu sĩ được gởi tới Lachi và 2.700 tu sĩ khác được gởi tới Tsari và Núi Kailash (Ngân Sơn), nhưng qua năm sau 130.000 tu sĩ đã tụ hội một lần nữa tại Drikung.
Đức Karmapa (Thứ Nhất) Dusum Khyenpa đã tới Drikung sau khi viếng thăm Daklha Gampo. Tại Bamthang ở Drikung, Jigten Sumgon và các đệ tử đã đón tiếp ngài thật nồng nhiệt. Vào lúc đó Đức Karmapa nhìn Jigten Sumgon như Đức Phật, và hai đệ tử chính của ngài như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên được các A La Hán vây quanh. Khi họ trở về Serkhang, Chánh điện, Đức Karmapa lại nhìn thấy Jigten Sumgon như Đức Phật, cùng với hai đệ tử của ngài xuất hiện như Đức Di Lặc và Đức Văn Thù, vây quanh là các Bồ Tát. Vì thế Dusum Khyenpa bày tỏ lòng sùng mộ lớn lao và thọ nhận nhiều giáo lý. Đức Karmapa cũng nhìn thấy toàn vùng Drikung như Mạn đà la của Chakrasamvara.
Một vấn đề đã nảy sinh là ai sẽ hộ trì dòng truyền thừa sau khi Jigten Sumgon viên tịch. Jigten Sumgon tin cậy nhiều đệ tử nhưng ngài đã suy nghĩ trong một thời gian dài là ngôi kế vị nên được truyền cho một người trong thị tộc Drugyal Kyura của ngài. Bởi ngài sinh ra ở tỉnh Kham, ngài đã phái một đệ tử của ngài là Palchen Shri Phukpa giảng dạy cho những người trong gia đình ngài. Khi phô diễn những năng lực huyền diệu và tán thán thanh danh của Đạo sư, Palchen Shri Phukpa đã giảng dạy cho chú của Jigten Sumgon là Konchok Rinchen và Anye Atrak, con của chú ngài và tất cả những người cháu trai. Khi tâm của họ đã chuyển hóa và họ trở nên lôi cuốn, họ di chuyển tới miền Trung Tây Tạng. Tiểu sử của họ đã được thuật lại trong Chuỗi Hạt Vàng của dòng Drikung Kagyu.
Một hôm Jigten Sumgon bảo đệ tử của ngài tên là Gar Choling đi tới Cầu Soksum và tặng torma cho các vị rồng sống trong nước. Ngài bảo Gar Choling: “Ông sẽ nhận được của cải đặc biệt.” Một vị long vương tên là Sokma Me đã tặng Gar Choling một chiếc răng Phật và ba viên ngọc đặc biệt. Nói chung, người ta nói rằng long vương Dradrok đã giữ chiếc răng này như một đối tượng của lòng sùng mộ. Cũng chính vị rồng này vẫn thường sống trong miền Magadha (Ma Kiệt Đà), nhưng đã vào Soksum bằng một chiếc cổng ở dưới mặt đất. Gar Choling cúng dường chiếc răng và những viên ngọc cho Jigten Sumgon. Vị Thầy nói: “Thật là tốt khi hoàn trả của cải cho chủ nhân của nó,” ngụ ý rằng đã có lúc chiếc răng này là của ngài. Ngài nói tiếp: ‘Khi ông giàu có, ông nên tạo một pho tượng của ta và để chiếc răng trong trái tim của nó.” Sau đó một thợ thủ công khéo léo người Trung quốc đã được mời tới để tạo pho tượng, và chiếc răng được cất giữ như một xá lợi. Jigten Sumgon đã hiến cúng pho tượng này hàng trăm lần. Pho tượng được lưu giữ ở Serkhang và được gọi là Serkhang Choje (Pháp Vương của Serkhang). Năng lực gia trì của pho tượng này được coi như tương đương với năng lực của chính Jigten Sumgon. Nó đã nói chuyện với nhiều người giữ điện thờ và đã dạy Sáu Pháp Du già của Naropa cho một Lạt ma tên là Dawa. Sau này khi Drikung bị lửa thiêu hủy, pho tượng được chôn vùi trong cát để không bị hủy hoại. Khi Đức Drikung Kyabgon trở về để xây dựng lại tu viện, người ta tìm kiếm pho tượng. Pho tượng đã tự xuất hiện trên cát và nói “Ta đang ở đây.” Theo cách đó, pho tượng này có một năng lực vĩ đại. Gar Choling đã thực hiện nhiều hình tượng khác của Jigten Sumgon trong thời gian này.
Bây giờ Jigten Sumgon quá già và không thường xuyên đi Debsa Thel được nữa, vì thế Chenga Drakpa Jungne được phái tới đó như Nhiếp chính Kim cương của ngài và những hoạt động của Chenga Drakpa Jungne ở đó thành công mỹ mãn. Dưới sự dẫn dắt của Panchen Guya Kangpa, Jigten Sumgon đã gởi 55.525 đệ tử tới sống ở Núi Kailash. Dưới sự dẫn dắt của Geshe Yakru Paldrak, 55.525 đệ tử được gởi tới Lachi. Dưới sự dẫn dắt của Dordzin Gowoche, 55.525 tu sĩ được gởi tới Tsari. Ngay cả trong thời của Chungpo Dorje Drakpa, vị kế nhiệm thứ tư của Jigten Sumgon, cũng có 180.000 đệ tử tại Drikung.
Có lần khi Jigten Sumgon tới Động Dorje Lhokar, ngài nói rằng động quá nhỏ và quá dài. Ngài làm cho lòng động rộng thêm và để lại dấu vết y phục của ngài trên tảng đá. Vì động tối tăm, ngài đẩy một cây gậy xuyên qua tảng đá, tạo thành một cửa sổ. Sau đó ngài làm những ngăn kệ trong đá để cất những vật dụng cá nhân của ngài. Mọi người nhìn thấy thật rõ ràng tất cả những điều này. Trong những chuyến du hành của ngài, ngài đã để lại nhiều dấu chân ở bốn phía của miền Drikung.
Một hôm khi Jigten Sumgon ngã bệnh, Đức Phagmodrupa xuất hiện trước ngài trong một linh kiến và giảng một kỹ thuật yoga, nhờ đó ngài khỏe trở lại. Đối với nhiều đệ tử của ngài, Jigten Sumgon đã giảng dạy theo nhu cầu của họ và đối với một vài người khác, phù hợp với khuynh hướng của họ, ngài đã ban giáo huấn trong thực hành Tám Heruka của truyền thống Nyingma.
Sau đó vào cuối đời, ngài tiên đoán dòng Drikung sẽ có một thời kỳ suy tàn. Cầm một chiếc que nhỏ mà ngài thường dùng để xỉa răng, ngài trồng chiếc que trên mặt đất và nói: “Khi chiếc que này tới một độ cao nào đó, ta sẽ trở lại.” Điều này tiên đoán sự xuất hiện của Gyalwa Kunga Rinchen, vị kế thừa thứ 15 của Jigten Sumgon. Sau đó Jigten Sumgon yêu cầu Chenga Sherab Jungne là vị kế thừa của ngài, nhưng vị này khiêm tốn khước từ. Kế đó ngài yêu cầu Đại tu viện trưởng Gurawa Tsultrim Dorje và vị này đã đồng ý.
Vào năm Hỏa-Ngưu, ở tuổi bảy mươi lăm, Jigen Sumgon nhập Niết bàn để khuyến khích những người lười biếng thực hành Pháp. Nhục thân của ngài được hỏa thiêu vào ngày mười ba của tháng Vaishaka (tháng kỷ niệm sự kiện Đức Phật đản sanh, đạt được Giác ngộ và nhập Niết bàn). Chư thiên tạo những đám mây cúng dường và những trận mưa hoa từ không trung đổ xuống ngập tới đầu gối của mọi người. Lửa hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chiếc sọ của ngài và bộ não của ngài xuất hiện như Mạn đà la của Sáu mươi Hai Bổn Tôn Chakrasamvara. Hình ảnh này rõ ràng như thể do một người thợ khéo làm ra. Trái tim ngài cũng không bị lửa làm hư hỏng, đã biến thành một màu vàng tuyệt đẹp. Điều này cho thấy ngài là một hóa thân của chính Đức Phật. Tương tự như thế, vô số xá lợi đã xuất hiện.
Sau khi Jigten Sumgon thị tịch, hầu hết trách nhiệm chăm lo tang lễ do Chenga Sherab Jungne đảm trách, mặc dù trước đây vị này đã khước từ sự kế thừa. Chenga Sherab Jungne đi tới Núi Senge Phungpa để chiêm ngưỡng Mạn đà la của Chakrasamvara và ở đó ngài nhìn thấy Jigten Sumgon. Vì thế ngài có cảm tưởng là nên xây một đài kỷ niệm ở đó. Một lần nữa Jigten Sumgon xuất hiện trong một linh kiến trên ngọn núi có Động Thiền định và bảo Chenga Sherab Jungne: “Con trai của ta, hãy làm như con ước muốn, nhưng hãy luôn luôn theo ý hướng của ta.” Sau đó Jigten Sumgon biến mất. Thực hiện theo ước nguyện, Chenga Sherab Jungne xây một Bảo Tháp Kiết tường Nhiều Cửa tên là “Hiền giả, Bậc Điều phục Ba Cõi.” Trong bảo tháp đó, ngài an vị trái tim của Jigten Sumgon và nhiều xá lợi khác. Theo ý hướng của Đạo sư, Chenga Sherab Jungne xây bảo tháp “Tinh túy-Thân, Vật Trang hoàng Thế giới,” được làm bằng đất sét trộn với bụi đá quý, nghệ tây và những loại hương đốt khác nhau. Trong bảo tháp đó, Chenga Sherab Jungne an vị sọ và não của Jigten Sumgon cùng nhiều xá lợi khác như các bản văn Luật tạng do Đức Atisha mang về từ Ấn Độ và Kinh Bát Nhã Ba La Mật 100.000 Bài Kệ.
Hiện nay Jigten Sumgon an trụ tại Cõi Phật Phương Đông Toàn Khắp Vĩ đại, bao quanh là vô số đệ tử trong trái đất này là những người đã chết với lòng sùng mộ mãnh liệt đối với ngài. Khi những người như thế mất đi, họ sẽ lập tức được tái sinh ở đó và khi đó Jigten Sumgon ân cần đặt bàn tay lên đầu họ, gia hộ và đón chào họ ở đó.

 Trích từ Những Lá Cờ Cầu nguyện: Cuộc Đời và Giáo lý Tâm linh của Jigten Sumgon do Khenchen Konchog Gyaltsen biên soạn.
http://drikung.org/index.php?option=com_content&view=article&id=129&Itemid=278
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên